Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

1047
+ aa -

Điều hành tác nghiệp

Cập nhật lúc : 09:16 26/03/2018
Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Trong năm 2017, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới đã triển khai hoạt động đánh giá giữa kỳ (giai đoạn 1). Hoạt động do Trường Đại học Nông Lâm Huế thực hiện và đã hoàn hành Báo cáo đánh giá sơ bộ giữa kỳ, thông qua hội thảo cấp tỉnh. Văn phòng Điều phối tỉnh trân trọng giới tóm tắt nội dung báo cáo như sau:

Sau 2 năm (2016-2017) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2, về tổng quan, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Số xã đạt chuẩn tăng từ 20/92 xã năm 2015 lên 31/104 xã cuối năm 2017, xấp xỉ đạt tỷ lệ 30% và gần tương đương với tỷ lệ bình quân cả nước; Số tiêu chí bình quân/xã đạt được là 15,15 tiêu chí, cao hơn 01 tiêu chí so với bình quân chung cả nước; Không còn xã dưới 7 tiêu chí; Đặc biệt trong bối cảnh chung nhiều địa phương trong nước có biểu hiện chạy theo thành tích, gây nợ đọng lớn trong xây dựng nông thôn mới thì Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số nợ XDCB không lớn và trong khả năng cân đối; Đời sống người dân tăng đáng kể hằng năm, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2017 xấp xỉ 26 triệu/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,69%. 

Đối với việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2 ban hành theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, qua đánh giá, một số địa phương “lỡ nhịp” do yêu cầu nâng cao chất lượng của Bộ tiêu chí mới, riêng trong số xã dã đạt chuẩn giai đoạn 1, có 12 xã giảm từ 1-5 tiêu chí khi đánh giá lại, trong đó chủ yếu tập trung vào các tiêu chí: Tổ chức sản xuất, Văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật,…

Hội thảo báo cáo đánh giá gữa kỳ

Đối với mục tiêu còn lại từ nay đến năm 2020 để đạt thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi năm bình quân phải đạt thêm 10 xã thực sự là một thách thức khá lớn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện và có giải pháp phù hợp mới có khả năng hoàn thành.

Riêng mục tiêu hai huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020 là rất khó khăn. Đến cuối năm 2017, huyện Nam Đông mới đạt 5/10 xã (50%) theo Bộ tiêu chí cũ, huyện Quảng Điền mới đạt 2/10 xã (20%), trong khi khả năng đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí mới và năng lực thực hiện của hai địa phương cũng đang còn nhiều khó khăn.

Trong tình hình đó, thị xã Hương Thủy nổi lên là đơn vị cấp huyện  khả năng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2020. Đến cuối năm 2017 Hương Thủy chỉ cón 3 xã: Thủy Bằng, Phú Sơn và Thủy Vân với tổng số 7 tiêu chí. Vì vậy, báo cáo khuyến nghị cần tăng cường tập trung chỉ đạo, hỗ trợ cho địa phương này trong thời gian 2 năm 2018-2019 để thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2020.

Tóm lại, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã bước đầu đi vào thực chất và bền vững, được cả hệ thống chính trị vào cuộc và người dân hưởng ứng, mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng nếu có sự điều chỉnh kịp thời, mềm hóa một số tiêu chí, chỉ tiêu và tăng cường đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành một cách đồng bộ từ các cấp,… Chương trình sẽ đạt được mục tiêu theo tiến độ đã đề ra. Báo cáo cũng đã kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí mới, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình và hoàn thành mục tiêu của tỉnh theo lộ trình đã đề ra./.

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh