Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

512
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 15:16 25/02/2019
Phong An xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Phong An, huyện Phong Điền đã sớm xây dựng kế hoạch nâng cao chât lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt nhằm bảo đảm duy trì và nâng chất xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới 1980 -TTg

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn được đầu tư nâng cấp ngày càng hoàn thiện; các vùng sản xuất được quy hoạch, nhiều giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế vào sản xuất, dần thay thế những loại giống hiệu quả thấp.

Cùng với những đổi thay về đời sống vật chất, ý thức người dân cũng được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Song, để giữ vững thành quả không dễ, nhất là sau khi bộ tiêu chí xã NTM mới giai đoạn 2016 – 2020 ra đời có nhiều bổ sung; trong đó, tiêu chí số 13 là xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế và tiêu chí 17 là môi trường và an toàn thực phẩm ở địa phương cần được đầu tư nâng cấp.

Năm 2015, sau nhiều đợt khảo sát, UBND huyện Phong Điền có công văn yêu cầu xã Phong An tiếp tục nâng chuẩn. Nhờ có kinh phí được phân bổ, xã tập trung mở rộng hệ thống các tuyến đường vào nghĩa trang các thôn, nhất là những khu vực chưa được đầu tư đúng quy hoạch về hạ tầng, đường đi gồ ghề, mùa mưa lầy lội... Trong đó, Nghĩa trang thôn Phò Ninh được nâng cấp với kinh phí 1 tỷ đồng cho tuyến đường dài 1km; Nghĩa trang thôn Đồng Lâm có chiều dài 0,5km với gần 500 triệu đồng; những tuyến đường vào những nghĩa trang còn lại đều được mở rộng thêm từ 3,5m lên 6,5m. Năm 2018, xã đã mở rộng các tuyến liên hộ lên 6,5m; hơn 3.000m (chiếm 90%) các tuyến giao thông liên thôn, đường làng ngõ xóm, đường nội đồng đã được bê tông và cứng hóa.

Ông Lê Bá Anh, ở thôn Thủy An 1, trải lòng: “Người dân vui mừng nhất là công việc gánh đám giờ đây giảm nhiều công sức nhờ đường vào các nghĩa trang được nâng cấp”.

Bên cạnh tăng cường phối hợp với đoàn công tác liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý các cơ sở, hàng quán lấn chiếm hành lang Quốc lộ, Tỉnh lộ 11B và khu vực thương mại, dịch vụ An Lỗ, Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2... xã tiếp tục đầu tư gần 70 triệu đồng/năm để mua sắm phương tiện, dụng cụ phục vụ việc thu gom rác thải; tiến hành làm cam kết về xử lý chất thải rắn tại các cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con không sử dụng phân bón hóa chất gây hại sức khỏe cho con. Xã đầu tư hơn 400 triệu đồng, tạo điều kiện cho hơn 90% hộ dân được lắp đặt hệ thống điện để đưa nước tưới v ào tận nơi phục vụ việc trồng rau.

Ông Trần Diêu, thôn Phò Ninh, nói: “Chấm dứt cảnh gánh nước tưới rau, người dân chúng tôi giảm đáng kể công lao động. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu sớm đưa mô hình nhà lưới vào sản xuất để hạn chế rủi ro do thiên tai thì đời sống mới thực sự ổn định”.

Ông Trần Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Phong An thông tin, xã đã làm thí điểm một mô hình nhà lưới tại thôn Phò Ninh có diện tích 500m2 với kinh phí 320 triệu đồng. Song, khó khăn đặt ra là, dù những lợi ích có được từ mô hình này như bảo vệ rau khi có thời tiết xấu, sản xuất được rau sạch đã trông thấy rất rõ, nhưng mức chi phí như vậy thì quá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của nông dân; trong khi đó, không nhiều người tiêu dùng chấp nhận được mức chênh lệch của các loại nông sản trồng theo mô hình này.

“Để nâng chuẩn NTM, còn rất nhiều việc phải làm; tuy nhiên, từ sự hưởng ứng của người dân hy vọng Phong An sẽ gặp thuận lợi trong việc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM...”, ông Lợi tự tin.

Văn phòng Điều phối Phong Điền