Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

1395
+ aa -

Kinh nghiệm NTM ở các tỉnh

Cập nhật lúc : 09:16 19/09/2018
Xây dựng nông thôn mới: Không vì thành tích mà huy động quá sức dân
Nhà văn hóa xã Quảng Lợ.i Quảng Điền. tỉnh Thừa Thiên Huế
Cần lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn ngân sách nhà nước với các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp; tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả, không vì thành tích mà huy động quá sức dân. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghì xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn tổ chức tại tỉnh Điện Biên vừa qua.

Người nông dân dễ tổn thương

Tính đến tháng 7/2018, cả nước đã có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (như TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam...) để chuyển sang giai đoạn nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, vẫn còn 46 tỉnh với tổng số 2.139 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn (Hà Giang: 136 xã, Cao Bằng: 136 xã, Lạng Sơn: 136 xã, Sơn La: 118 xã, Điện Biên: 136 xã, Lào Cai: 104 xã, Thanh Hóa: 100 xã); có 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí (như Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn…).

Các tiêu chí thiết yếu phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân và điều kiện hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân có nhiều khó khăn, sinh kế thiếu bền vững, dễ bị tổn thương trước những tác động của môi trường; và hầu hết những xã này đều nằm ở những địa phương có xuất phát điểm thấp, khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Đây là những vị trí hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia, là phên, giậu nơi biên cương của đất nước. Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đối với các địa phương gặp nhiều khó khăn và đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, cũng như cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân ở các thôn, bản, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nhà văn hóa xã Quảng Lợi, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được đt đầu tư từ ngân sách Chương trình nông thôn mới 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, khi nguồn lực còn hạn chế, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về xây dựng nông thôn mới như: Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An,... ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới thôn, bản và có chính sách hỗ trợ bằng vật tư, vật liệu để các thôn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhờ vậy, đến nay đã có 469 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (theo tiêu chí của tỉnh ban hành), người dân ở các thôn, bản này đã thực sự thay đổi nhận thức từ bị động sang chủ động bắt tay xây dựng cuộc sống mới, cán bộ các xã, thôn đã trách nhiệm hơn trong chỉ đạo, vận động người dân tham gia, bộ mặt thôn, bản, nhất là về môi trường, phát triển sản xuất và văn hóa đã được cải thiện, tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới.

Không vì thành tích mà huy động quá sức dân

Trước những ý kiến của các địa phương về những khó khăn trong công tác xây dựng nông thôn mới là, nguồn lực huy động từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và người dân để xây dựng nông thôn mới còn rất thấp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với UBND các tỉnh nghiên cứu, có phương án lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án triển khai trên cùng địa bàn để tập trung đầu tư cho các thôn, bản thực hiện các mục tiêu của Đề án.

Cụ thể như Tập đoàn Điện lực (Bộ Công thương) đẩy nhanh tiến độ “phủ sáng” các xã, thôn, bản, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu 100% hộ dân vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia; Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập.

Trong quá trình hỗ trợ các thôn, bản, ấp xây dựng nông thôn mới chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư; để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế một cách thiết thực, bền vững; phát triển các sản phẩm đặc trưng, là lợi thế của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; gắn liền giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái, phát triển mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng.

“Chủ động lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn ngân sách nhà nước với các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp, tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo. Tuyệt đối không vì thành tích mà huy động quá sức dân, phải để người dân thực sự tự nguyện, chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, Phó thủ tướng nói.

Văn phòng Điều phối (TH))