Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

1947
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 09:01 04/06/2020
Phát triển nông sản đặc hữu ở huyện Phong Điền gắn với xây dựng nông thôn mới
Nhờ lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Phong Điền có tiềm năng lớn để phát triển các loại nông sản đặc trưng nhằm nângcxao hiệu quả sản xuất, Với định hướng đó, thời gian qua, huyện Phong Điền đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới

Tiềm năng lớn về nông sản

Huyện Phong Điền có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, trong đó sản xuất lúa theo hướng VietGap (2.040 ha), lúa hữu cơ (58 ha); cây cao su (1.793 ha); 200 ha rau màu; 148,8 ha cây ném, kiệu; 327 ha cây sen. Bên cạnh đó, huyện Phong Điền cũng đã tập trung phát triển trên 570 ha trồng cây ăn quả. Trong đó, các loại cây ăn quả có múi, gồm: 270 ha Bưởi Thanh Trà; 213 ha bưởi da xanh; 66 ha cam quýt ; 21,7 ha phát triển các loại cây ăn quả khác như chuối, mãng cầu, mít, ổi.

Nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn các xã như Phong Thu, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Thị trấn Phong Điền của huyện Phong Điền đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi diện tích đất dốc đồi, vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Kết quả bước đầu thu được tương đối khả quan, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện được nâng cao, giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện”.

Sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện Phong Điền mang lại giá trị kinh tế cao có thể kể đến như thanh trà với diện tích tập trung chủ yếu ở xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây ăn quả có múi, xã Phong Thu đã lựa chọn cây bưởi Thanh Trà để phát triển. Theo Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Phong Thu đã triển khai kế hoạch phát triển các vùng trồng tập trung, cải tạo các diện tích đất phù hợp để mở rộng thêm diện tích, hỗ trợ vốn cho nông dân. Hiện nay, diện tích trồng bưởi Thanh Trà trên địa bàn xã Phong Thu là 135 ha, trong đó khoảng 60 ha trong thời kỳ thu hoạch, 40 ha cho trái ổn định, diện tích còn lại đang trong quá trình trồng mới và kiến thiết. Tổng số 430 hộ tham gia sản xuất.

Trong những năm gần đây, Thanh Trà đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Nhờ mạnh dạn đầu tư về khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại quy mô sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hình thành chuỗi giá trị để tạo sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập, đồng thời mở rộng thêm diện tích sản xuất, ước tính mỗi năm cây bưởi Thanh Trà cho thu nhập khoảng 15 tỷ đồng. Do đó, bưởi Thanh Trà được xem là giống cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Phong Thu, huyện Phong Điền.

Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển nông thôn mới, nguồn vốn khuyến nông, UBND xã Phong Thu đã triển khai kế hoạch phát triển các vùng trồng bưởi Thanh Trà, tập trung với cánh đồng mẫu lớn. Cụ thể, xã Phong Thu đã chuyển đổi các vùng đất trồng lồ ô, đất trống hoa màu sang trồng bưởi Thanh Trà với diện tích 12 ha tại 2 thôn An Thôn và Trạch Hữu, đồng thời xã Phong Thu hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo quy trình VietGap với diện tích thực hiện 5,6 ha/52 hộ tham gia.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới tiêu thụ bền vững, xã Phong Thu đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai các nội dung như tập huấn kỹ thuật, thiết kế, xây dựng hệ thống tưới tiêu, cung cấp bao trái; Hướng dẫn hộ nông dân chăm sóc, bón phân và phun trừ nhện đỏ, sâu bệnh, bao tiêu đầu ra cho trái  bưởi thanh trà. Ngoài ra, xã Phong Thu cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho trái bưởi Thanh Trà. Nhờ vậy, thương hiệu Thanh Trà Huế - cơ sở Phong Thu đã được công nhận, nhiều thị trường biết đến.

Thứ đến là sen: Diện tích trồng sen trên địa bàn huyện Phong Điền là 327 ha, tập trung ở các xã Phong An, Phong Hiền, Phong Thu, Phong Chương và thị trấn Phong Điền. Sen Phong Điền đa dạng về chủng loại, gồm: sen cao sản, sen trắng, sen đỏ và sen hồng.

Thời vụ trồng sen ở huyện Phong Điền từ tháng 2,3 dương lịch, thời gian thu hoạch tháng 6, 7 hàng năm. Trung bình 1 ha sen cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí), cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, huyện Phong Điền đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình các diện tích sản xuất kém chất lượng sang trồng sen cho thu nhập cao.

Trồng sen ở huyện Phong Điền ngoài giúp cải thiện đời sống và nâng cao tăng hiệu quả kinh tế, trồng sen còn giúp cải thiện môi trường sống. Từ đó, trên địa bàn huyện còn hình thành khoảng gần 70 ha vùng chuyên canh trồng sen kết hợp nuôi cá, tập trung ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền.

Nhờ hiệu quả kinh tế mà mô hình sản xuất chuyên canh trồng sen kết hợp với nuôi cá mang lại cho người dân huyện Phong Điền, từ đó mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng đa canh. Đồng thời, huyện Phong Điền nỗ lực quảng bá sản phẩm kết hợp với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm từ sen.

Một trong những nông sản đặc trưng của Phong Điền là ném Điền Môn: Diện tích trồng ném (hành tăm, hành trắng) của huyện Phong Điền là 150 ha, tập trung chủ yếu ở xã Điền Môn (40 ha), các vùng xã Ngũ Điền. Thời gian thu hoạch cây ném là tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Doanh thu cây ném mang lại khoảng trên 20 tỷ đồng/năm cho huyện Phong Điền.

Riêng xã Điền Môn, nhờ thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây ném, cho năng suất cao, đầu ra ổn định nên giá trị kinh tế cây ném mang lại rất lớn. Thu nhập bình quân từ cây ném mang lại khoảng 200 triệu đồng/năm/ha.

Cây ném ở xã Điền Môn có mùi vị đặc trưng, rất thơm, cay, thời gian bảo quản lâu nên giá bán khá cao. Bên cạnh đó, cây ném được sản xuất sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhờ xây dựng thương hiệu “Ném Điền Môn” nên thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, đầu ra và giá cả ổn định. Vì vậy, huyện Phong Điền có xu hướng mở rộng diện tích sản xuất cây ném.

Ngoài ra Phong Điền còn có mướp đắng, được trồng chủ yếu ở xã Điền Hải, diện tích toàn xã hơn 8 ha, khoảng 80 hộ tham gia sản xuất. Nhờ lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng có mạch nước tự nhiên, thuận lợi cho việc trồng và phát triển cây mướp đắng, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mướp đắng.

Thời gian thu hoạch mướp đắng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Là cây trồng ngắn vụ, khoảng 45 ngày cho thu hoạch nên chi phí sản xuất mướp đắng không lớn. Trong khi đó, đầu ra của trái mướp đắng Điền Hải khá ổn định, ngoài việc tiêu thụ trái mướp đắng tươi thì các phần như rễ cây, thân cây mướp đắng được phơi khô. Giá bán khoảng 100 nghìn đồng/kg. Thu nhập bình quân cây mướp đắng mang lại cho bà con nông dân xã Điền Hải khoảng 150 triệu/ha/năm.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây mướp đắng có thể trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, UBND xã Hải Điền đã có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mướp hữu cơ, VietGap. Đồng thời, UBND xã Hải Điền cũng tập trung nghiên cứu, bố trí quỹ đất phù hợp với vùng trồng mướp để hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ để tạo nên thương hiệu mướp đắng Điền Hải.

Mở rộng diện tích, phát triển bền vững

Nhờ hiệu quả kinh tế mà cây trồng nông nghiệp mang lại, thời gian tới, UBND huyện Phong Điền sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả và các sản phẩm nông nghiệp khác. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất cây ăn quả và các sản phẩm nông nghiệp theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Ngoài ra, UBND huyện Phong Điền cũng định hướng phát triển những loại cây ăn quả và các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và bền vững. Từ đó, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng cây ăn quả và các sản phẩm nông nghiệp tập trung và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, huyện Phong Điền đã tích cực triển khai một số mô hình sản xuất nông sản sạch, sản xuất theo hướng VietGAP, mô hình sản xuất hữu cơ… Ngoài ra, huyện Phong Điền còn tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm, mẫu mã bao bì… hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, để có thể phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao, cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện ở các vùng quy hoạch phát triển sản xuất tập trung, hàng hóa chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân.

Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực từ cây ăn quả và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Điền, sản phẩm nông nghiệp được phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cao sẽ tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời hướng tới xuất khẩu.

CTV