Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ tư, 17/04/2024

1645
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 09:11 31/08/2015
Quảng Ninh- lá cờ đầu trong xây dựng NTM ở miền Bắc
Đến thời điểm này, đã có nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh cán đích, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, đại diện tiêu biểu cho khối huyện, thị là TX Đông Triều và đại diện cho khối xã là Lương Mông (huyện Ba Chẽ).

Điểm sáng của cả miền Bắc

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp nhất của tỉnh Quảng Ninh nên ngay khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện, Đông Triều là địa phương đầu tiên của tỉnh đăng ký về đích vào năm 2015. Bắt tay vào thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giữa bộn bề cái thiếu và khó nhưng cả hệ thống chính trị, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân thị xã đã chung sức đồng lòng; trong đó đặc biệt chú trọng phát huy mạnh mẽ và hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn. Ông Nguyễn Văn Xoay, thôn 3, xã An Sinh (Đông Triều) - một trong những người tiên phong trong phong trào hiến đất và vận động nhân dân trong thôn hiến đất làm công trình hạ tầng nông thôn chia sẻ: Bác Hồ đã dạy việc gì có lợi cho dân thì phải làm. Nhận thấy phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, cùng với đó kinh tế - xã hội phát triển, đời sống không ngừng được cải thiện và nâng lên, chính vì vậy tôi luôn mong muốn được đóng góp công sức của mình thông qua những việc thiết thực, đem lại hiệu quả cho cộng đồng, đồng thời động viên mọi người cùng tham gia thực hiện. Chính vì vậy, tôi đã không ngần ngại khi tự nguyện hiến 188m2 đất, trong đó có 100m2 đất ở và 88m2 đất vườn đồi để thôn làm đường và các công trình hạ tầng chung.

Đông Triều là một trong ít địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong tỉnh và cả nước. Những mô hình đã triển khai trong chương trình xây dựng nông thôn mới của TX Đông Triều hiện nay đang được mở rộng cho rất nhiều địa phương khác trong tỉnh học tập như: Xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp; xây dựng làng quê văn minh, sạch đẹp; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…

Với sự chung tay, chung sức, góp công, góp của từ những người dân như ông Xoay nên trong hơn 4 năm qua trên toàn TX Đông Triều đã có 3.450 hộ dân hiến 310.557m2 đất, tháo dỡ 26.097m tường bao, 1.500m2 công trình phụ trợ, chặt 12.598 cây ăn quả để mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình, phúc lợi công cộng. Toàn huyện đã huy động gần 60.600 ngày công của người dân, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và các tổ chức, đoàn thể tham gia xây dựng đường giao thông, vỉa hè, công trình hạ tầng. Toàn huyện đã làm mới, cứng hoá trên 250km đường giao thông, 100% đường xã và liên thôn được bê tông hoá; hệ thống điện được đầu tư, nâng cấp, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; nhiều công trình giáo dục, văn hoá thể thao, khu vực vui chơi giải trí được đầu tư; cơ sở vật chất y tế được nâng cấp, bổ sung trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Với sự chung tay này nên chưa đi hết chặng đường 5 năm thì Đông Triều đã cơ bản cán đích của huyện nông thôn mới với các tiêu chí đạt được là hoàn thành 352/361 tiêu chí và 730/741 chỉ tiêu. Toàn  thị xã có 15/19 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới, đạt 78,9%; thu nhập bình quân trên đầu người của khu vực nông thôn tăng từ 14,5 triệu đồng năm 2010 lên 27,9 triệu đồng năm 2014. Thị xã có 11 xã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, riêng phường Hưng Đạo được tặng thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng. Đông Triều là một trong ít địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong tỉnh và cả nước. Những mô hình đã triển khai trong chương trình xây dựng nông thôn mới của TX Đông Triều hiện nay đang được mở rộng cho rất nhiều địa phương khác trong tỉnh học tập như: Xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp; xây dựng làng quê văn minh, sạch đẹp; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…

Đồng chí Ngô Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều cho biết: Để thực hiện thành công cần phải lấy người dân làm gốc, tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân đồng thuận, và khẳng định vai trò chủ thể của người dân. Sau khi được công nhận đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, Đông Triều đang tập trung triển khai thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng “Nông thôn tiên tiến” tại 3 xã Bình Khê, An Sinh, Việt Dân, trọng tâm là thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp, thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết tốt các vấn đề môi trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Lương Mông không còn là điểm tối

Nhiều năm trước đây, Lương Mông là xã đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất thiết yếu như điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Từ năm 2010, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Lương Mông đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể cùng chung sức triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động được đặc biệt coi trọng tới từng cán bộ đảng viên và nhân dân.

Mô hình trồng nấm linh chi của gia đình anh Triệu Quý Thu ở thôn Đồng Cầu, xã Lương Mông (Ba Chẽ) là một trong những kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng nấm linh chi của gia đình anh Triệu Quý Thu ở thôn Đồng Cầu, xã Lương Mông (Ba Chẽ) là một trong những kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Lương Mông đã nhanh chóng triển khai từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Điển hình như để giải quyết tiêu chí thu nhập, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Cụ thể, với thế mạnh về sản xuất lâm nghiệp xã đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện trồng rừng tập trung được gần 900ha, tất cả các dự án, chương trình trồng rừng đưa về địa phương đều được triển khai đến từng hộ gia đình có diện tích đất lâm nghiệp. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn xã đã trồng mới được 161,8ha rừng các loại, trong đó có 62ha được hỗ trợ tiền cây giống, vốn tự có của người dân tự trồng là 99,8ha. Bà con nông dân trong xã đã khai thác được 240 tấn quế tươi, với tổng giá trị là 2,4 tỷ đồng, khai thác rừng trồng khoảng 35ha keo với tổng giá trị khoảng 700 triệu đồng. Để hỗ trợ nghề rừng cho bà con, xã đã thành lập Tổ hợp tác xã dịch vụ ngoài gỗ tại thôn Bãi Liêu để không chỉ thực hiện nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm cho gỗ rừng trồng mà còn làm luôn nhiệm vụ đầu ra cho chăn nuôi, trồng trọt.

Cùng với đó, xã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tích cực tham gia thực hiện các mô hình phát triển chăn nuôi như nuôi gà thả đồi, lợn, trâu, bò nhằm tạo nguồn cung sản phẩm cho tiêu dùng tại địa bàn huyện và hình thành thói quen chăn nuôi chuẩn bị sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Để lấy ngắn nuôi dài, xã đã vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đưa vào trồng nhiều loại cây trồng mới như: Thanh long ruột đỏ; 6.800 cây cam Canh của 25 hộ dân ở thôn Đồng Cầu; 2.774 cây cam V2 của 68 hộ dân ở 4 thôn trên địa bàn. Bước đầu cho thấy các mô hình cây trồng mới này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, mở ra một số hướng phát triển kinh tế tại địa phương.

Kết quả là hết năm 2014, Lương Mông đã hoàn thành 17/19 tiêu chí, 37/39 chỉ tiêu của chương trình nông thôn mới, trong đó có những tiêu chí với xã miền núi rất khó về đích sớm như thuỷ lợi, điện, thu nhập bình quân đầu người thì xã lại hoàn thành xuất sắc. Hai tiêu chí còn lại đang được tập trung chỉ đạo để hoàn thành. Đến nay, toàn xã đã có 11km kênh mương được kiên cố hoá, 8/8 thôn có hệ thống thuỷ lợi kiên cố đáp ứng được yêu cầu sản xuất. 100% số hộ dân được sử dụng hệ thống điện lưới; cơ sở vật chất trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 8,7km đường trục xã, liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hoá. Năm 2015 này Lương Mông sẽ là xã đầu tiên của huyện Ba Chẽ cán đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành quả quan trọng hơn cả là từ sản xuất phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao nên công tác giảm nghèo được thực hiện một cách bền vững.

Văn phòng Điều phối tỉnh (tổng hợp)