Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

1242
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 09:36 19/11/2018
Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Để nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế

Du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hiệu quả, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Theo đó, thời gian qua có nhiều chính sách hỗ trợ cho du lịch ở nông thôn phát triển, điều này giúp các địa phương sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

Lãnh đạo ngành du lịch đánh giá, điều dễ dàng nhận thấy nhất đối với những địa phương đang có du lịch phát triển là hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn; sự hấp dẫn của du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động, từ đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Tại điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền), từ khi du lịch được đầu tư khai thác, bộ mặt nông thôn nơi đây “thay da đổi thịt”. Lãnh đạo UBND xã Quảng Lợi chia sẻ, trước đây, giao thông liên thôn ở Ngư Mỹ Thạnh chủ yếu là đường đất, nay toàn bộ đã được bê tông hóa; điện chiếu sáng cũng được hỗ trợ đầu tư. Cũng nhờ du lịch, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư để sửa sang nhà cửa, mở dịch vụ homestay để phục vụ khách. Ngoài đánh bắt thủy hải sản, du lịch là nguồn thu nhập quan trọng của người dân Ngư Mỹ Thạnh hiện nay.

Kể từ ngày Gành Lăng (Lộc Bình, Phú Lộc) được đầu tư hình thành điểm du lịch cộng đồng, “bộ mặt” nông thôn thay đổi. Từ nguồn vốn phi Chính phủ và nguồn lực của huyện Phú Lộc, đường giao thông liên thôn, con đường dọc đầm cầu Hai được thi công, nhà đón tiếp, bến thuyền, nhà hàng… cũng được hình thành. ngoài hạ tầng, tín hiệu mừng là Gành Lăng đã bắt đầu thu hút khách, nhờ đó mà người dân có thu nhập từ cung cấp dịch vụ ăn uống và homestay. Đây được định hướng sẽ là nguồn thu nhập chính cho người dân trong tương lai.

Một số hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp có dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình, thu nhập từ nông nghiệp cũng tăng lên từ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung của các địa phương.

Nếu tận dụng tốt du lịch, các mục tiêu về chuẩn nông thôn mới của các địa phương sẽ đạt được. Điều cần được xác định là du lịch phát triển bền vững, khi đó nông thôn mới cũng đạt têu chí bền vững. Ngược lại, với những đầu tư cho nông thôn mới có sự hợp lý, các điểm du lịch cộng đồng cũng sẽ được đầu tư, hoàn thiện về cơ sở vật chất, hạ tầng.

Theo lãnh đạo ngành du lịch, qua khảo sát tình hình thức tế, hoạt động du lịch ở nông thôn ở Huế hiện vẫn mang tính nhỏ lẻ. Du lịch đã có khách nhưng chưa thu hút được nhiều. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp, hoặc chưa quan tâm đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Tại nhiều điểm đến của các tour du lịch, dịch vụ có chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Còn thiếu sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành du lịch và cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương.

Vì vạy, cần đặt ra mục tiêu phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch và có chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình du lịch. Muốn thực hiện điều này, các sở, ban, ngành có liên quan cần có sự “liên thông” trong việc triển khai các công việc, để có sự đồng bộ, tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực. Cần có những mô hình được lựa chọn, khuyến khích nông dân tham gia nhằm nâng cao chất lượng, chứ không phải ồ ạt mở rộng số lượng.

Theo đó, ngành du lịch sẽ vận động, phối hợp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát chọn một số điểm triển khai mô hình thí điểm để tiếp tục điều chỉnh, nâng cao chất lượng phù hợp với thực tế địa phương; mở các tour, tuyến du lịch nông thôn tận dụng lợi thế về nông nghiệp của từng địa phương.

Chi cục PTNT