Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

962
+ aa -

Mỗi xã mỗi sản phẩm - OCOP

Cập nhật lúc : 16:06 26/02/2019
Phát triển dịch vụ, du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, xác định được vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, huyện Quảng Điền đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền sản phẩm du lịch nhằm giới thiệu nét đặc sắc về thế mạnh du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII xác định: Phát triển du lịch dịch vụ là một trong những lĩnh vực để huyện Quảng Điền khai thác thế mạnh, tiềm năng, đưa nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển. Các giải pháp phát triển du lịch dịch vụ năm 2017 và những năm tiếp theo được xây dựng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương như: tập trung hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết khu du lịch – dịch vụ Đông Quảng Lợi, khảo sát và dự kiến sẽ tổ chức một tour du lịch tại khu vực Tràm Chim, ở khu vực Cửa Lác, xã Quảng Thái, quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch như: các bãi tắm và khu nghỉ dưỡng ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn để thu hút đầu tư các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các điểm vui chơi giải trí…

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền đánh giá, dịch vụ du lịch của huyện ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách và người dân. Bước đầu huyện tập trung khai thác du lịch biển và đầm phá, kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển dịch vụ để sớm hình thành rõ nét khu dịch vụ Cồn Tộc, xã Quảng Lợi, bãi biển Quảng Công, Quảng Ngạn.

Năm vừa qua, các chương trình tour du lịch với các hoạt động khá đa dạng, hấp dẫn, như tour du lịch cộng đồng “Sóng nước Tam Giang” ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi đã đón 40 đoàn với khoảng 1.000 lượt khách; tour du lịch “Một ngày đêm trên phá Tam Giang” thu hút 335 lượt khách, trong đó có trên 300 lượt khách nước ngoài; tour “Hoàng hôn trên phá Tam Giang” đón 4.000 lượt khách…

Nếu như trước đây chỉ một vài tour, tuyến như tham quan vùng đầm phá chủ yếu ở vùng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, du khách đến bủa lưới, giăng câu vào ban ngày thì nay du khách có thể khám phá, trải nghiệm các hoạt động sản xuất của người dân trên toàn vùng đầm phá của huyện vào lúc hoàng hôn, bình minh, hay ban đêm...

Từ khi khu rừng ngập mặn rộng hơn 60 ha phát triển, du khách đến đây còn kết hợp tham quan, tự tay đánh bắt, nơm cá, cua, tôm... ngay trong khu rừng ngập mặn. Sau khi trải nghiệm vùng đầm phá, du khách có thể đến tham quan, tắm và giải trí tại bãi biển Quảng Công, Quảng Ngạn.

Các dịch vụ nhà hàng mọc lên ngày càng nhiều, cùng với các tour, tuyến đa dạng, phong phú hơn đã thu hút du khách ngày càng đông. Tính riêng lượng du khách đến Quảng Điền năm 2018 tăng 30-40% so với năm trước; doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt 20-22 tỷ đồng.

Dịch vụ trên địa bàn huyện đang phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của Nhân dân. Một số dịch vụ phát triển khá như vận tải, nhà hàng, thương mại. Huyện đã kêu gọi một số DN lớn mở chi nhánh kinh doanh trên địa bàn như Tôn Hoa Sen, Điện Máy Xanh, Hon da Hồng Phú; DA dịch vụ nghỉ dưỡng Lodge của HTX Làng du lịch nông trang đầm phá tại khu dịch vụ Cồn Tộc… Giá trị dịch vụ năm 2018 đạt 42,3% trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện, tăng hơn 1% so với kế hoạch.

Trung tâm thương mại huyện giai đoạn 4, 5 đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2019; chuyển đổi mô hình quản lý chợ được triển khai theo kế hoạch, vận động các địa phương, tổ chức chuyển đổi chợ nông thôn thành chợ văn minh kiểu mẫu.

 

Các điểm bán hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các điểm trưng bày, bán sản phẩm đặc trưng của huyện được hình thành. Các địa phương, ban ngành đang tích cực xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản của địa phương thông qua các kênh phân phối, như siêu thị mini, chợ đầu mối. Các DA đã đấu giá thuê đất kinh doanh hai bên cầu Tứ Phú sẽ được rà soát, đôn đốc, sớm đi vào hoạt động.

Thời gian đến huyện Quảng Điền tăng cường chỉ đạo để đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách tham quan; hợp tác với các công ty lữ hành, hình thành các doanh nghiệp du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch vùng đầm phá Tam Giang – Quảng Điền. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch của nhân dân, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch. Huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường công tác giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái trên phá và ven phá Tam Giang nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần sớm đưa du lịch dịch vụ trở thành động lực mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, một trong những tiêu chí qua trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới .

CTV