Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 25/04/2024

670
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 10:54 18/06/2020
Chương trình OCOP đã có 22 sản phẩm 5 sao
Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương vừa tổ chức hội nghị tập huấn về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào các chuyên đề về nhiệm vụ phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn; triển khai quyết định thành lập Hội đồng OCOP cấp quốc gia và quy chế của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; những điểm mới trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; giới thiệu dự thảo bộ tiêu chí dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; Quy chế quản lý chương trình OCOP và một số tài liệu tập huấn chương trình OCOP cơ bản khác.

Chương trình OCOP được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2018) song đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đến nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử (Trung tâm thương mại BigC, Vinmart, VNPost…) ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đạt sao đều tăng đáng kể.

Tính dến nay, cả nước có 61/63 UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; có 32 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 1.711 sản phẩm OCOP (đạt 71,3%  so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm) của 986 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án kế hoạch cấp tỉnh về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về chương trình OCOP. Đến cuối tháng 4/2020, đã có 33 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 1.711 sản phẩm, đạt 71,3% kế hoạch của 986 chủ thể tham gia chương trình, trong đó có: 22 sản phẩm 5 sao, 604 sản phẩm 4 sao và 1.085 sản phẩm 3 sao.

Chương trình OCOP đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là các chủ thể trong chương trình, chúng tôi xác định chủ thể chính trong chương trình là hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ,  song hướng tới chuỗi giá trị, các chủ thể này cần hỗ trợ nhau theo tính cộng đồng.

Chương trình OCOP sẽ là nền móng tạo sự biến chuyển cục diện cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, theo đó: Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong 5 năm(2016-2020) dự kiến khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, chúng ta vẫn cần ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối với Chương trình OCOP cần tiếp tục triển khai theo hướng tập trung đi sâu vào chất lượng, theo đúng nguyên tắc và bản chất của chương trình, tăng cường hơn nữa sự tham gia của cấp xã, cộng đồng người dân và doanh nghiệp trong thực hiện Chu trình OCOP, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sắc bản địa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường

VPĐP NTM TTH (TH)