Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

1146
+ aa -

Tin tức & Sự kiện

Cập nhật lúc : 22:48 18/11/2018
Đề tài về nông thôn mới đạt giải sáng tạo KHCN năm 2018
Sáng 17/11/2018, tại hội trường Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2018. Được biết, trong 17 đề tài đạt giải khuyến khích đợt này có đề tài liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Đó là đề tài "Phương pháp đánh giá độc lập, co sự tham gia Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020"  do nhóm tác giả Trường Đại học Nông Lâm và Văn phòng Điều phối  nông thôn mới tỉnh thực hiện. 

Theo đó, phương pháp này đúc kết tiến trình nghiên cứu hành động về hiệu quả của sự tham gia cộng đồng, phương pháp đánh giá độc lập khách quan trong đánh giá chương trình nông thôn mới, chính vì thế đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc quản lý và triển khai chương trình nông thôn mới trên 104 xã trên toàn địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và trên cả nước nói chung

Với việc áp dụng phương pháp này trong đánh giá nông thôn mới, sẽ dễ dàng đưa ra được thực trạng từ đó xây dựng được các đề xuất và đóng góp quy trình, phương pháp cho triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp giảm thiểu chi phí khi thực hiện nông thôn mới

Nếu triển khai đánh giá theo phương pháp hành chính thông thường sẽ làm tốn kém khoản chi phí khá lớn trong triển khai, và không hiệu quả kinh tế, với việc triển khai đánh giá giữa kỳ do nhóm tư vấn độc lập với phương pháp có sự tham gia sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thuận tiện trong triển khai và hiệu quả tích cực hơn.

Xây dựng Nông thôn mới là chương trình được kỳ vọng thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, thúc đẩy nông thôn phát triển, cải thiện môi trường nông thôn từ đó thu hút lực lượng lao động nông thôn quay trở về. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, việc xây dựng nông thôn mới lại được nhiều địa phương chú trọng vào bề ngoài – chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn, xã, chợ nông thôn…) chứ chưa thực sự hướng đến con người nông thôn, môi trường nông thôn, việc này gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường sống khu vực nông thôn như thiếu không gian cây xanh, nhà văn hóa chợ dư thừa, hoạt động không đúng công năng. Với việc triển khai phương pháp đánh giá này đã nhìn nhận một cách khách quan hơn nữa việc triển khai chương trình nông thôn mới từ xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới, thúc đầy việc tận dụng tài nguyên, hạn chế gây tổn hại đến môi trường nông thôn, mang lại tính bền vững cao cho việc triển khai nông thôn mới.

Áp dụng đánh giá độc lập giữa kỳ có sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá Nông thôn mới được xem là phương pháp mới tại Thừa thiên Huế cũng như cả nước. Với việc xây dựng chương trình NTM từ 2011- đến nay, việc đánh giá hầu như do cán bộ chương trình tự thu thập thông tin đánh giá, dẫn đến việc đánh giá để điều chỉnh trong thực tế triển khai còn nhiều bất cập. Bản thân chương trình NTM cũng như bộ tiêu chí NTM được xây dựng cho cả nước, nên không tránh khỏi không phù hợp.

Áp dụng cách tiếp cận hành động, khách quan trong đánh giá tính hiệu quả, kết quả chương trình nông thôn mới là cách tiếp cận mới trong giải quyết vấn đề, thay vì tự các cơ quan nhà nước nhìn nhận các công việc do chính mình triển khai thì thông qua áp dụng đánh giá độc lập, có tính khách quan, phương pháp này sẽ chỉ ra được các kết quả mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, phương pháp này được kỳ vọng sẽ áp dụng cho nhiều địa phương khác trong cả nước.

Với sự thành công của việc triển khai tại tỉnh Thừa thiên Huế, phương pháp này đã được triển khai tại các tỉnh như Quảng Bình, ĐắkLắk, tin tưởng rằng các địa phương khác có điều kiện tương tự có thể áp dụng và triển khai thông qua các hướng dẫn cụ thể sẽ được nhóm tư vấn hình thành ở tài liệu kỹ thuật sắp xuất bản.

Văn phòng Điều phối tỉnh Thừa Thiên Huế