Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

42
+ aa -

Điều hành tác nghiệp

Cập nhật lúc : 15:02 03/10/2022
Vai trò của khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
Đóng góp của Chương trình khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng .tính bước ngoặt lịch sử của xây dựng nông thôn mới 10 năm qua.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nước ta được chính thức triển khai sau 10 năm thí điểm, từ 2000-2009, đồng thời học hỏi khá nhiều bài học quý báu của các nước có điều kiện tương tự trên thế giới và khu vực.

Mặc dù vậy, việc nhận diện mô hình nông thôn mới trong điều kiện Việt Nam và con đường đi đến mô hình đó trong bối cảnh nông thôn có xuất phát điểm thấp, nguồn vốn thiếu thốn, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của các vùng miền, dân tộc rất khác biệt và phức tạp, đã đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Nó tiềm ẩn những mâu thuẫn lớn cần được giải quyết đồng thời và căn cơ hơn so với những gì đã làm cho “Tam Nông” hàng trăm năm trước đó và 30 năm đổi mới nông nghiệp (1981-2010). Có nhiều vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải giải quyết theo cách làm mới, mà cách làm mới này có ý nghĩa như một cuộc “Đổi mới lần thứ hai” trong phát triển nông thôn. Có nghĩa Tam Nông một lần nữa lại đi tiên phong cho cả nước trong công cuộc đổi mới của đổi mới hôm nay và ngày mai.

Trước tình hình như vậy, sự vào cuộc của khoa học và công nghệ đồng hành cùng nông thôn mới là yêu cầu tất yếu. Nhưng ngay bản thân khoa học và công nghệ cũng cần lột xác, cần có cách tiếp cận mới để thực sự là người bạn đồng hành tin cậy. Đối với cách tiếp cận bao trùm và toàn diện của xây dựng nông thôn mới thì khoa học công nghệ cũng cần phải có cách tiếp cận như thế.

Đó chính là lý do vì sao có riêng một Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới và trao cho nó cơ hội tập hợp đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học công nghệ hàng đầu cả nước, để họ đứng trong một hệ thống kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng dốc lòng phục vụ sự nghiệp nông thôn mới. Thành tựu to lớn có tính bước ngoặt lịch sử của xây dựng nông thôn mới 10 năm qua là sự khẳng định vai trò đóng góp của Chương trình khoa học và công nghệ.

Chương trình Khoa học và công nghệ này đã hoạt động được 10 năm,với cách nhìn bao quát, sự đóng góp của chương trình cho quá trình xây dựng nông thôn mới nước ta là liên tục, theo những trục vấn đề cốt lõi, không phụ thuộc vào sự ngắt quãng của 2 giai đoạn. Vì thế, để tổng kết Chương trình giai đoạn II chúng ta cần kế thừa sự đánh giá của giai đoạn I. Buổi tọa đàm này cũng vậy, trong khi chúng ta tập hợp chủ yếu những nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia Chương trình trong giai đoạn II, nhưng câu chuyện được bàn đến là các giá trị đóng góp và bài học kinh nghiệm của Chương trình trong 10 năm qua.

Trong quá trình triển khai, Chương trình đã điều chỉnh nội dung nghiên cứu theo nhu cầu mới của xây dựng nông thôn mới bền vững. Đặc biệt ở giai đoạn II, các nhiệm vụ chuyển sang giải quyết các vấn đề chuyên sâu, gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, tập trung vào các vấn đề mới, phục vụ các yêu cầu mới cao hơn về huy động nguồn lực xã hội, vai trò cộng đồng người dân, phát huy động lực của văn hóa, tái cơ cấu ngành, xây dựng các mô hình nông thôn mới chất lượng cao, đa dạng, phong phú…

Để bám sát thực tế, chương trình đã tổ chức làm việc với các địa phương trọng điểm; các hội nghị triển khai toàn quốc và 5 vùng; mọi dự án đều phải có tỉnh, thành phố xác nhận tính cấp thiết và điều kiện ứng dụng trên địa bàn. Vì thế, hầu hết các nhiệm vụ sau khi hoàn thành đều được địa phương tiếp nhận sử dụng.

- Bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng NTM, trong đó có: kinh nghiệm của các nước; các vấn đề về thể chế và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đô thị hóa; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn; hoàn thiện cách tiếp cận, phương thức xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện Bộ tiêu chí; huy động các nguồn lực xã hội, các giá trị văn hóa, giá trị bản địa; vai trò chủ thể của nông dân; phát huy tự quản cộng đồng trong quản lý xã hội;…

- Giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, kết nối hài hòa nông thôn - đô thị; thúc đẩy cơ cấu lại ngành, liên kết chuỗi bền vững; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;…

- Giải pháp phát triển đời sống văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan và không gian sống tốt ở nông thôn;

- Và nhiều chủ đề nghiên cứu khác.

Chương trình đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu về:

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững với những hướng then chốt như: dịch chuyển lao động, tạo việc làm tại chỗ; phát triển kinh tế tập thể; Chương trình OCOP và dịch vụ nông thôn; phát triển nông nghiệp số, xây dựng NTM thông minh; làng nông thuận thiên; NTM ven đô;…

- Giải pháp phát huy các “nguồn lực mềm” cho xây dựng NTM bền vững, như động lực của văn hóa, bản sắc dân tộc, đặc trưng bản địa, cảnh quan kiến trúc, di sản truyền thống làng xã, phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn; xây dựng gia đình bền vững;…

- Đối với những vùng đặc biệt khó khăn tập trung nghiên cứu các mô hình tạo sinh kế, nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH, khai thác tiềm năng tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương;

- Chương trình đã đóng góp tổng kết 30 năm đổi mới theo 3 nội dung là: CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn; và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội;

- Để phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26, Chương trình nghiên cứu các chuyên đề về: đánh giá tác động của Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa trong bối cảnh, yêu cầu mới; Định hướng xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với đô thị hóa; Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đã tham gia nhiều chuyên đề khác như: Phát triển công nghiệp ở nông thôn; Phát triển hàng thương mại nông sản gắn với hội nhập quốc tế; Phát huy vai trò người dân...

- Để phục vụ cho đánh giá, sửa đổi bổ sung Luật HTX năm 2012, Chương trình đã tổ chức nghiên cứu đánh giá thực trạng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp...

Xây dựng được nhiều mô hình góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở các địa phương

Đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng KHCN trong xây dựng NTM. Các mô hình này đang tiếp tục tổng kết. Chỉ riêng 22 dự án đã nghiệm thu ở giai đoạn I đã có 159 mô hình sản xuất của các dự án được chuyển giao; 39 mô hình khuyến nghị của các đề tài; tạo ra tổng số 198 mô hình các loại, phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển văn hóa, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường… bám sát danh mục các loại mô hình được yêu cầu trong các Quyết định số 27/QĐ-TTg và 45/QĐ-TTg.

Có tác động thiết thực đến kết quả xây dựng nông thôn mới

Có thể thấy rõ các nhóm tác động chính sau:

- Góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn vừa qua và giai đoạn tới 2021-2025;

- Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Với hơn 200 quy trình và giải pháp công nghệ, 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị đã được chuyển giao, Chương trình tạo ra những tác động cụ thể như:

+ Trong lĩnh vực trồng trọt: tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu; 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập trên 25%; nâng cao giá trị sản xuất đến 133-500 triệu đồng/ha/năm. Công nghệ thủy lợi đóng góp 35-40%; giống mới đóng góp 25-30%; phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác đóng góp 25-30% vào tổng năng suất tăng thêm trong trồng trọt.

+ Trong lĩnh vực chăn nuôi: Một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai ½ hoặc ¾ máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp…

+ Các yếu tố tiêu biểu làm tăng hiệu quả kinh tế là: Cơ giới hóa sản xuất lạc: 13,6%; Mô hình trang trại: 7,8%; Quy trình VietGAP: 12,5%; Sản xuất hướng hữu cơ: 8,7%; Giống vật nuôi mới: 16,8%; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt: 9,3%; Công nghệ xử lý chất thải: 13,0%; Tự động hóa tưới tiêu: 7,7%; Bảo tồn giống vật nuôi: 21,2%; Sử dụng chế phẩm sinh học: 6,8%; Chuyển đối cơ cấu cây trồng: 12,1%; Quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) 15,0%; Sử dụng giống cây mới: 23,2%; Chế biến dược liệu: 18,8%.[1]

- Tác động đến tái cơ cấu sản xuất, thu nhập của người dân nhờ: Đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật; Cải tạo cơ cấu giống; Chuyển dịch cơ cấu sản xuất; Xây dựng các vùng sản xuất tập trung; thay đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất đồng bộ hơn, có tính tự nguyện cao…

- Thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm, góp phần thay đổi phương thức canh tác, tạo sản phẩm an toàn, giá trị cao, nâng cao nhận thức người dân;

- Tác động đến khả năng tiếp nhận, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp, người dân, cán bộ nông thôn mới ở cơ sở, góp phần đào tạo cán bộ trình độ cao cho nông thôn. Các kết quả nghiên cứu, chuyển giao được công bố trong 400 bài báo khoa học; 50 sổ tay hướng dẫn và nhiều tài liệu tập huấn, đào tạo cho 27.000 cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân, 81 nghiên cứu sinh tiến sĩ, học viên cao học. Hơn 10.000  hộ nông dân của gần 200 xã thuộc 50 tỉnh thành phố ở tất cả các vùng tham gia Chương trình được hưởng lợi...

- Tính lan tỏa, nhân rộng các kết quả nghiên cứu chuyển giao vào sản xuất. Những kết quả nhân rộng tiêu biểu là: canh tác tiết kiệm nước, giảm phát thải khí metan (CH4), được phổ biến rộng trên 205.970 ha ở đồng bằng sông Hồng; 102.103 ha ở Trung du miền núi phía Bắc;  150.374 ha ở Bắc Trung Bộ; 13.724ha ở Duyên hải miền Trung; 1.3330 ha ở Tây Nguyên; 814.058ha ở ĐBSCL sau khi kết thúc đề tài và được nhân rộng đến thời điểm này; chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 7 công thức luân canh hiệu quả kinh tế cao được người sản xuất ứng dụng trên 10.000 ha ở đồng bằng sông Hồng từ 53 ha mô hình trình diễn ban đầu. Nhiều mô hình được nhân rộng hàng nghìn ha; lập thêm hàng chục HTX để liên kết với doanh nghiệp...

9. Chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Chương trình NTM đánh giá cao

Các thành tựu cơ bản của chương trình qua đợt tổng kết giai đoạn 2011-2018 đã được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đánh giá cao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi dự Hội thảo KHCN toàn quốc về nông thôn mới (tháng 7/2019) và Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (tháng 10/2019) đã biểu dương sự đóng góp của KHCN nói chung và của chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng. Tại Hội nghị tổng kết Chương trình KHCN giai đoạn I (2012-2017)([2]), Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch Quốc hội) Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh:

Chương trình (KHCN) đã huy động và nhận được “sự ủng hộ rộng rãi và phối hợp khá chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương,... bám sát các mục tiêu và nội dung của Chương trình, cơ bản phù hợp với yêu cầu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới,... giúp các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rỗ rệt. Các kết quả nghiên cứu và xây dựng mô hình có sức lan tỏa rộng, được nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân tiếp nhận, tham gia có hiệu quả”;

Chương trình đã góp phần thiết kế được hệ thống khung khổ, thể chế, chính sách của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; thu được kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học công nghệ; các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; thu hút đông đảo lực lượng khoa học công nghệ cả nước, có nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tham gia”;

10. Những hạn chế cần khắc phục

Một Chương trình KHCN có quy mô không gian rộng lớn toàn quốc, phạm vi nội dung đa ngành đa đối tượng, nguồn nhân lực triển khai đa dạng đa thành phần, lại triển khai trong suốt 10 năm đầy khó khăn về kinh phí, thủ tục và nhiều bất cập khác không thể không có những hạn chế, yếu kém. Theo góc nhìn của Ban Chủ nhiệm, những vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ trong giai đoạn tới chủ yếu là:

- Về nguồn lực: Mặc dù đã chủ động, sáng tạo, nhưng việc lồng ghép với các chương trình KHCN khác vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức, cục bộ. Một số chủ đề trọng tâm cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và chuyển giao để triển khai một cách đồng bộ, liên tiếp hoàn thiện qua các giai đoạn, được tích hợp liên ngành, liên vùng… nhưng không thực hiện được do bị hạn chế về thời gian và kinh phí;

- Về nội dung: Một số vấn đề trọng tâm then chốt, nan giải, đột xuất của xây dựng nông thôn mới chưa huy động được nhiều đề tài nghiên cứu, như: chính sách đất đai, lao động và cân đối các nguồn lực hợp lý; ứng dụng công nghệ mới, thông minh, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội NTM; các vấn đề liên kết vùng và liên vùng, kết nối nông thôn - đô thị; quản lý và bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa và các nguồn lực mềm… Một số kết quả nghiên cứu, chuyển giao chưa tạo được tác động như mong muốn, còn hạn chế về quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội, hoặc chưa có chỗ đứng trong thực tế.

- Về tiến độ: Chương trình triển khai chậm do thủ tục hành chính khi thực hiện các quy trình đề xuất, xét chọn nhiệm vụ chưa phù hợp với đặc thù của xây dựng NTM. Giai đoạn cuối chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid- 19.