Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

112
+ aa -

Điều hành tác nghiệp

Cập nhật lúc : 18:06 05/11/2022
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ngành nông nghiệp số
Ngành nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo hướng hiện đại, thông minh, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của ngành Nông nghiệp Thừa Thiên Huế

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động SXKD được ngành nông nghiệp, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh triển khai từ một vài năm trở lại đây. Một số HTX như Thủy Thanh 2, Phú Hồ, Phú Thanh, An Lỗ… đưa giống lúa mới chất lượng cao vào gieo cấy trên cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, an toàn. Rau quả sạch, hữu cơ, VietGAP tại các huyện Quảng Điền, A Lưới… được canh tác bằng phương thức, công nghệ mới, tiên tiến.

Sản phẩm của các HTX được xây dựng, đăng lý thương hiệu, nhãn hiệu và chứng nhận OCOP, được đưa lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối với khách hàng. Hoạt động mua bán sản phẩm đều thông qua hệ thống công nghệ thông tin điện tử, tạo thuận lợi trong việc giao dịch tiêu thụ nông sản. Nông sản hữu cơ, an toàn từng bước tạo uy tín trên thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trước yêu cầu đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số HTX tiến đến xây dựng phần mềm tạo mã QR truy xuất nguồn gốc và máy in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mới đây, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II (Quảng Điền) triển khai gắn tem điện tử có chứa mã xác thực dưới dạng mã QR Code truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm trà rau má, bột rau má matcha. Trên bề mặt tem chứa những thông tin được mã hóa, khi sử dụng Zalo, máy ảnh hoặc ứng dụng kiểm tra quét mã QR, mọi thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như lưu ý khi sử dụng sản phẩm, hoặc thông tin liên quan đến sản phẩm sẽ hiện ra. Nhờ vào tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa mà người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết trước khi chọn mua.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí chia sẻ, khi sử dụng tem truy xuất sẽ bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng cũng như khả năng tài chính của mình. Người tiêu dùng có thể xác thực mọi thông tin về sản phẩm chỉ với thao tác quét mã QR sẽ mua được sản phẩm chính hãng, chất lượng như mong muốn và loại bỏ được những nỗi lo về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đối với HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cũng như các HTX khi sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sẽ mang đến những lợi ích như góp phần gia tăng thương hiệu, tạo được niềm tin đến khách hàng nhiều hơn. Ứng dụng công nghệ này sẽ hạn chế và bài trừ hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, bảo vệ thương hiệu nhằm giúp khẳng định vị thế trên thị trường. Đơn vị SXKD quản lý được sản phẩm, chất lượng sản phẩm một cách tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh và thương hiệu khi ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức đánh giá, sản xuất nông nghiệp tỉnh thời gian qua đã và đang có bước phát triển khá toàn diện. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm. Ngành nông nghiệp tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển ba nhóm sản phẩm: chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP và trên từng lĩnh vực của ngành bước đầu đạt được kết quả nhất định.

Nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn quá ít… Trước thực trạng đó, CĐS được xem là giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh.

Ngành nông nghiệp đang khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy các cơ sở, doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử. Doanh nghiệp thương mại điện tử luôn có sự kết nối với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo chuỗi liên kết mới. Chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được triển khai thực hiện; trong đó chú trọng hai sàn thương mại điện tử là “Voso.vn” và “Postmart.vn”.

Mô hình CĐS đang được triển khai, nhân rộng nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý là mô hình nông nghiệp an toàn, thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có ứng dụng công nghệ tự động hóa để phân tích, theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu… giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Hoạt động cung cấp công cụ kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản đang được ngành nông nghiệp quan tâm đầu tư, khuyến khích. Từ đó giúp các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận kịp thời các thông tin về thị trường để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức ứng dụng công nghệ số trong hoạt động SXKD, tham gia cung cấp dịch vụ số cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo phương pháp SXKD, đánh giá lại chuỗi giá trị, mô hình kết nối với khách hàng để tự chuyển đổi phương thức SXKD theo mô hình mới...

Mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý Nhà nước. Đồng thời, từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác. Từ đó tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

CTV (báo TTH)