Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Chủ nhật, 10/12/2023

103
+ aa -

Điều hành tác nghiệp

Cập nhật lúc : 12:02 30/08/2023
LIÊN KẾT VÀ HỢP TÁC VỚI HÀN QUỐC: BƯỚC TIẾN MỚI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (phần 1)
Bài viết của đồng chí Lê Thành Nam – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng chí Lê Ngọc Bảo – Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Phần 1.

Đánh giá thực trạng chương trình MTQG Nông thôn mới Thừa Thiên Huế trong giai đoạn vừa qua

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025  được triển khai trên phạm vi cả nước  theo Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các mục tiêu Chương trình được nâng cấp chuẩn hóa và lượng hóa  thông qua việc điều chỉnh Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (cấp xã và cấp huyện).

Với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn mới tại nhiều vùng quê đã được hình thành, cơ sở hạ tầng các vùng nông thôn không ngừng được nâng cấp cải thiện; sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư; năng suất,  giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng hơn góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.

  1. 1.      Kết quả thực hiện bộ tiêu chí

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi có quyết định về việc triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 353/KH-UBND ngày 29/9/2022), kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Thừa Thiên Huế chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số: 425/KH-UBND ngày 08/11/2022), kế hoạch về công tác truyền thông phục vụ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 442/KH-UBND ngày 28/11/2022); các Quyết định về ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025,…

Là một tỉnh ven biển miền Trung, Thừa Thiên Huế có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội khá đặc thù nên việc triển khai thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới ở vùng nông thôn của tỉnh  có những sự khác biệt so với ở các vùng, miền trên cả nước. Năm 2023 là năm thứ hai tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, về kết quả đạt được tính đến 31/06/2023 có 67 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 71,3% (Trong đó 62 xã đã có Quyết định công nhận);

+ Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí          : 12 xã.

            + Số xã đạt 10-14 tiêu chí               : 15 xã.

+ Số xã dưới 10 tiêu chí                  : Không có;

Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,53 tiêu chí/xã.

+ Đối với xã đạt chuẩn nâng cao: Đã có Quyết định công nhận 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Hương Xuân và Hương Lộc, 01 xã đang thẩm định xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc).

+ Đối với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu: chưa có.

            Cấp huyện: Đến 31/6/2023 có 2 đơn vị cấp huyện có Quyết định công nhận: Thị xã Hương Thuỷ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Kết quả thực hiện các nội dung thành phần, các chương trình chuyên đề

- Nội dung thành phần số 01: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.

+ Nội dung 01: Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn) và triển khai, thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy  định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay UBND các huyện đang lập quy hoạch chung cho 55 xã, và 02 quy hoạch cấp huyện: Nam Đông và Phong Điền.

- Nội dung thành phần số 02: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Theo nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của Hội đồng nhân tỉnh ưu tiên thực hiện các nội dung: Giao thông, Thủy lợi, Nước sạch, Trường học, Trạm y tế, Công trình xử lý rác thải tập trung, Đầu tư xây dựng, Cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ; Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Các công trình hạ tầng khác phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh, bảo vệ môi trường.

            - Nội dung thành phần số 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững: Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025”. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 303/KH-UBND ngày 18/8/2022, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công tổ chức để triển khai Chương trình. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 150 sản phẩm được được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (30 sản phẩm/năm).

Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh đã có 58 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Trong đó, 17 sản phẩm đạt 4 sao (29,3%), 37 sản phẩm đạt 3 sao (63,8%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng (6,9%). Năm 2023, có 53 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Hiện các chủ thể kinh tế đang triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP.

Ngoài ra, một số sản phẩm từ hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ đã có chỗ đứng trên thị trường, trong đó có một số đề tải nổi bật như: cải tạo chất lượng đàn bò ở A Lưới- sản phẩm thịt bò A Lưới, mô hình thâm canh giống cam mới Valencia 2 (V2) tại Nam Đông- Cam Nam Đông, Nghiên cứu quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá nâu ở khu vực đầm phá Tam Giang, Các sản phẩm Sen Huế, Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng làng thông minh, xã kết nối góp phần hiện đại hóa nông thôn, Xây dựng thí điểm mô hình “Xã Thông minh”, triển khai tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền và xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc,...

- Nội dung thành phần số 05: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Tỉnh chủ động lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện nội dung Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em, cải tạo sửa chữa các hạng mục nhà vệ sinh trường học.

- Nội dung thành phần số 06: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. UBND tỉnh đã phân bổ 100 triệu đồng vốn ngân sách Trung ương cho Sở Văn hóa và Thể thao triển khai, đồng thời từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2023 đã bố trí 2.522 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 09/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Nội dung thành phần số 07: Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đối với nội dung này UBND tỉnh đã phân bổ 5.4 tỷ đồng thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Hằng năm với chức năng nhiệm vụ được giao Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành tập huấn, đào tạo, hỗ trợ hướng dẫn các đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn..... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp đưa việc xây dựng mô hình "Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn" là một trong những hoạt động trong tâm trong năm.

- Nội dung thành phần số 08: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. UBND tỉnh hiện nay đang thực hiện thí điểm triển khai xây dựng 2 mô hình  “Xã thông minh” tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền bước đầu đã có một số kết quả khả quan trong nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, giám sát an ninh và cung cấp thông tin, cảnh báo người dân, nhất là trong mừa mưa bão, không sử dụng tiền mặt,... Ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Nội dung thành phần số 09: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới: Trong thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm trong triển khai các nội dung cuộc vận động, phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh; Triển khai thực hiện tốt kế hoạch “Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”,… nổi bật đó là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

- Nội dung thành phần số 10: Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn: Công an tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 6510/KH-CAT-PV05 ngày 14/11/2022 triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hội Cựu chiến binh tích cực vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện xây dựng thôn, làng đạt chuẩn văn hoá mới, mỗi cấp hội xây dựng củng cố, tu sửa ít nhất 01"Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn". Phối hợp với phòng PV05 Công an tỉnh tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và tiến hành nghiệm thu, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh triền khai mô hình “Tổ liên gia an toàn, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh với phương châm “4 tại chỗ”.

- Nội dung thành phần số 11: Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền thông về xây dựng NTM; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM:  Công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình được thường xuyên quan tâm thực hiện, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 425/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Thừa Thiên Huế chung sức xây dựng nông thôn mới" để triển khai Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Công tác truyền thông xây dựng nông thôn mới được triển khai thường xuyên hàng năm.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên trên thực tế so với mục tiêu đề ra và rà soát lại theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thì có sự sụt giảm đáng kể sau khi đánh giá lại với bộ tiêu chí mới, chủ yếu các tiêu chí rớt hạng tập trung vào các tiêu chí như tiêu chí Thu nhập, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, Môi trường và vệ sinh ATTP

- Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới: có 41 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 43,6% giảm 27,7% ( theo quyết định hiện có 67/94 xã, tỷ lệ 71,3%)

            - Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí           : 35 xã.

            - Số xã đạt 10-14 tiêu chí                : 18 xã.

            - Số xã dưới 10 tiêu chí                   : Không có;

Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,77 tiêu chí/xã (giảm 0,67 tiêu chí)

* Đối với xã đạt chuẩn nâng cao: không có.

* Đối với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu: không có.

So với mục tiêu đề ra là 82 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2025 vẫn còn 15 xã là một thử thách khá lớn nhưng vẫn trong khả năng đạt được. Với mục tiêu đề ra là 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành NTM và 1 đơn vị là huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM nâng cao vẫn còn gặp nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nhìn chung, nền tảng xây dựng NTM tại Thừa Thiên Huế vẫn rất bền vững, mặc dù có một số khó khăn nhưng có thể giải quyết được nếu có sự điều chỉnh về một số nội dung tiêu chí và nhận thức từ phía cán bộ và chính quyền được nâng cao hơn trong việc xây dựng nông thôn mới và sự hỗ trợ từ nhiều bên liên quan, đặc biệt trong bối cảnh sự hỗ trợ từ phía chương trình Saemul Undong Hàn Quốc.

 

Phần 2.

Phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và chương trình Seamul Undong Hàn Quốc- tín hiệu tích cực cho phát triển chương trình NTM Thừa Thiên Huế

  1. 1.      Giới thiệu chương trình Saemul Undong

Phong trào nông thôn mới Hàn Quốc, với cụm từ “Saemaul Undong” hay là “cuộc vận động làng mới” đã trở thành cụm từ quen thuộc trong lĩnh vực phát trển nông thôn mới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Từ những năm 1970, phong trào Saemaul đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giảm tệ nạn xã hội, thay đổi tư duy và phát huy sức sáng tạo và sức lao động cũng như kinh tế của người dân nông thôn Hàn Quốc.

Từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng đến tạo ra những mô hình sản xuất tiên tiến, Saemaul Undong đã giúp nâng cao năng suất nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thành công của chương trình này không chỉ nằm ở những dự án vật chất, mà còn ở việc tạo ra một tinh thần đoàn kết và sự tự quản lý tích cực trong cộng đồng nông dân.

Vì vậy, sau khi trở thành quốc gia phát triển, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia tài trợ và chia sẻ  kinh nghiệm phát triển nông thôn cho các quốc gia khó khăn hơn trên thế giới. Các hoạt động hỗ trợ đã được tỉnh Gyeongsangbuk – cái nôi của phong trào Saemaul – triển khai ở một số nơi như Việt Nam và các nước châu Á khác từ năm 2004. Tuy nhiên, vào ngày 12 tháng 10 năm 2012, Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul (SGF) được thành lập với mục đích truyền bá phong trào nông thôn mới Hàn Quốc – Saemaul Undong, trong đó có 3 tinh thần cốt lõi  – cần cù, tự lực, hợp tác –  trên toàn thế giới.

Kể từ năm 2016 đén nay, SGF đã triển khai 14 dự án Saemaul thí điểm đã được triển khai tại tại 14 làng/xã thuộc 8 tỉnh, thành là Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp.

Quỹ Saemaul thực hiện các dự án thí điểm của mình theo 4 thành phần: tư vấn nâng cao năng lực quản trị địa phương, đào tạo – tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, cải thiện điều kiện – môi trường sống và  gia tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Dựa trên kinh nghiệm của mình, SGF luôn khuyến khích sự cần cù, tự lực và hợp tác, trong đó cư dân địa phương của bất kỳ dự án nào ở Việt Nam cũng tích cực tham gia và chia sẻ nỗ lực xây dựng những ngôi làng tươi đẹp hơn.

Ẩn sâu trong nhiều thế hệ người Hàn Quốc là tinh thần cần cù, tự lực và hợp tác. Chính các tinh thần này là định hướng để họ không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, chính trực và có tiếng nói của chính họ trong cộng đồng và xã hội. Tinh thần Saemaul cũng sẽ được làm mới trong bối cảnh hiện đại và chia sẻ với những người bạn Việt Nam.”

Với sự thành công của chương trình và mong muốn lan rộng sự phát triển của hình mẫu chương trình nông thôn mới quốc tế, trong những năm vừa qua chương trình Saemaul đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các hỗ trợ xây dựng làng mới, hỗ trợ kỹ thuật, duy trì và trang bị thêm thiết bị công nghệ hiện đại của Hàn Quốc, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong quản trị, quản lý chất lượng và thương mại sản phẩm cho các hệ thống trang trại, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống trang trại hiện có nhằm phát triển chương trình Nông thôn mới của Việt Nam.

  1. 2.      Hợp tác giữa chương trình Saemul Undong Hàn Quốc và tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua

Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở trung tâm Việt Nam, có tiềm năng phát triển du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, nông thôn của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn về hạ tầng, kỹ thuật canh tác, và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhận thức được thành công của chương trình Saemaul Undong tại Hàn Quốc, với các khó khăn nội tại cần phải tháo gỡ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với Hàn Quốc nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ mô hình này. Qua việc hợp tác, các dự án hạ tầng, phát triển kỹ thuật canh tác, và xây dựng cộng đồng tự quản đã được thực hiện để cải thiện nông thôn tại địa phương.

Từ năm 2017, thông qua sự hỗ trợ của chương trình Saemaul Undong đã thiết lập dự án “Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện phong Điền giai đoạn 2017 - 2021”, Dự án đã đầu tư xây dựng một nhà Văn hóa thôn và Văn phòng cho HTX nông nghiệp Trạch Phổ; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lãnh đạo thôn và kỹ thuật sản xuất cho 24 hộ dân tham gia dự án; thí điểm mô hình trồng ném trang trại và trồng dưa hấu... Tổng kinh phí hỗ trợ đã thực hiện là trên 315.000 USD. Ngoài ra, trong năm 2019, Quỹ SGF đã tiến hành xây dựng dự án “Hỗ trợ xây dựng làng mới Saemaul” tại phường Hương Long, thành phố Huế với tổng kinh phí 625.000 USD thực hiện trong giai đoạn 2019-2024.

Hợp tác giữa chương trình Nông Thôn Mới Hàn Quốc Saemaul Undong và chương trình Nông Thôn Mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, cần thiết phải duy trì và phát triển thêm mô hình này. Việc đảm bảo sự đầu tư vào hạ tầng, đào tạo cộng đồng và tạo ra môi trường thúc đẩy sự hợp tác là những yếu tố quan trọng. Trong năm 2023, nhằm tăng cường thêm hoạt động hỗ trợ cải thiện chương trình MTQG Nông thôn mới, chiều 17/8, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quỹ Saemaul Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức ký biên bản ghi nhớ triển khai thêm các nội dung hỗ trợ, trong đó:

Quỹ Saemaul Hàn Quốc tại Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng mô hình dự án Saemaul Undong hoặc làng thí điểm Saemaul vào dự án phát triển nông thôn mới bằng cách tư vấn hoặc đề xuất phương pháp Saemaul; hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, chương trình quốc tế do Quỹ Saemaul Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức về Saemaul Undong.

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên - Huế có trách nhiệm hợp tác mở rộng dự án Saemaul Undong và làng thí điểm Saemaul tại tỉnh Thừa Thiên Huế; tạo điều kiện thực hiện dự án tại địa phương; giới thiệu địa điểm, mô hình dự án; hỗ trợ truyền thông và kêu gọi cư dân tham gia...

Trong thời gian vừa qua, hợp tác giữa chương trình Nông Thôn Mới Hàn Quốc Saemaul Undong và chương trình Nông Thôn Mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo ra một mô hình thành công trong việc chia sẻ kinh nghiệm và phát triển nông thôn mới bền vững. Từ việc học hỏi và áp dụng các giải pháp thành công từ Saemaul Undong, nông thôn Thừa Thiên Huế đã trải qua một quá trình phát triển tích cực, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế và xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển thêm mô hình này vẫn còn đòi hỏi sự nỗ lực và quan tâm từ cả hai phía, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

  1. 3.      Các bài học kinh nghiệm mà chương trình NTM Thừa Thiên Huế có thể học tập từ Chương trình Saemul Undong Hàn Quốc

Chương trình Nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế có thể học tập nhiều kinh nghiệm bổ ích từ Chương trình Seamul Undong (hay còn gọi là "Chương trình làng mới" của Hàn Quốc).

Dưới đây là một số điểm mà Thừa Thiên Huế có thể rút ra từ kinh nghiệm của Hàn Quốc để nâng cao hiệu quả của chương trình Nông thôn mới:

Hợp nhất các nguồn lực và chính sách: Chương trình Seamul Undong đã thành công nhờ việc hợp nhất các nguồn lực và chính sách từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, hạ tầng, giáo dục, y tế, và văn hóa. Thừa Thiên Huế cũng có thể tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các nguồn lực và chính sách để đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả cho chương trình Nông thôn mới.

Tham gia của cộng đồng: Chương trình Seamul Undong đã tạo ra mô hình tham gia của cộng đồng mạnh mẽ, từ việc thúc đẩy tình thân làng xóm đến việc tham gia vào quản lý và ra quyết định về các hoạt động nông thôn. Thừa Thiên Huế có thể tạo ra các cơ chế để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của cộng đồng trong việc lên kế hoạch và thực hiện chương trình.

Tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống: Chương trình Seamul Undong của Hàn Quốc tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, bao gồm cả khía cạnh vật chất và tinh thần. Thừa Thiên Huế có thể áp dụng chiến lược tương tự để đảm bảo rằng chương trình Nông thôn mới không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn cải thiện môi trường sống và tăng cường phát triển con người.

Đổi mới kỹ thuật và công nghệ: Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và quản lý nông thôn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều mô hình thành công trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp để đưa nông thôn phát triển hiện đại, nâng cao mức sống của nông dân Hàn Quốc. Chính vì vậy, Quỹ Saemaul tin tưởng sẽ xây dựng thành công mô hình này ở Việt Nam. Thừa Thiên Huế có thể học hỏi cách tích hợp các giải pháp công nghệ vào chương trình để thúc đẩy hiệu suất nông nghiệp và cải thiện cuộc sống của nông dân, đặc biệt đối với việc phát triển chương trình OCOP trong tương lai.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản: Một phần quan trọng của Chương trình Seamul Undong là đầu tư vào hạ tầng nông thôn, bao gồm giao thông, thủy lợi, và điện. Thừa Thiên Huế có thể đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và cuộc sống dân cư.

Hỗ trợ đào tạo và giáo dục: Chương trình Seamul Undong đã chú trọng vào việc đào tạo và giáo dục cho người dân nông thôn, từ việc cung cấp kiến thức nông nghiệp đến việc phát triển kỹ năng quản lý kinh doanh. Thừa Thiên Huế cũng có thể đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao năng lực của cộng đồng nông thôn.

Ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp và nông thôn: Đây là lĩnh vực là rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu chuyển đổi số do chính phủ Việt Nam thúc đẩy. Đây cũng là một trong những mục tiêu của chương trình nông thôn mới nâng cao ở Việt Nam cũng như ở tỉnh Thừa Thiên Huế . 

Chương trình Saemul Undong của Hàn Quốc mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu mà chương trình Nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế có thể học tập để nâng cao hiệu quả và bền vững của chương trình. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả tghi và nâng cao hiệu quả hợp tác, cần phải xem xét các điều kiện địa phương và điều chỉnh các chiến lược sao cho phù hợp với tình hình cụ thể của việc thực hiện chương trình MTQG NTM Thừa Thiên Huế.