Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

2039
+ aa -

Điều hành tác nghiệp

Cập nhật lúc : 16:20 13/04/2018
Phát triển kinh tế vườn để nâng cao chất lượng nông thôn mới
Thừa Thiên Huế và ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, trong đó tập trung thực hiện nâng cao đời sống cho người dân và giảm nghèo.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2, Thừa Thiên Huế tiếp tục đạt được một số kết quả đáng kể: Đến nay,  toàn tỉnh đã có  31xã/104 xã đạt chuẩn (xấp xỉ 30%); Số tiêu chí bình quân/xã đạt:15,15 tiêu chí (cao hơn 01 tiêu chí so với bình quân chung cả nước); Không còn xã dưới 7 tiêu chí; Đời sống người dân tăng đáng kể hằng năm, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2017 xấp xỉ 26 triệu/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,69%.    

Tuy nhiên như bối cảnh chung, tại Thừa Thiên Huế, kể cả ở những xã đã công nhận đạt chuẩn, diện mạo nông thôn  và chất lượng sống của người dân vẫn chưa thật sự mới, chưa thật sự khác biệt so với trước, đời sống và sinh hoạt của người dân nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng bà con dân tộc thiểu số.

Trước tình hình đó, song song với việc triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2 (theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Quyết định sô 741/QĐ-UBND ngày  06/4/2018), để làm cơ sở chỉ đạo và triển khai kế hoạch tiếp tục phấn đấu nâng chất đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2017 và các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn, bền vững hơn, các địa phương cần  tập trung vào nâng cao chất lượng các tiêu chí về môi trường,  văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự... nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập và giảm tỷ lẹ hộ nghèo[1].

Trong những năm gần đây cùng với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Thừa Thiên Huế đã quan tâm chú trọng phát triển kinh tế vườn nhằm nâng cao hiệu quả diện tích canh tác nông nghiệp, tăng  thu nhập cho người dân.

Theo số liệu điều tra, thu nhập từ kinh tế vườn của tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ. Vườn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều loại cây ăn quả được trồng trong cùng một vườn, như cam, ổi, chanh, đu đủ, măng cụt, nhãn, thanh long, dừa, dứa, sầu riêng, tiêu; cây rau màu trồng trong vườn như đậu các loại, rau trái...  Đặc điểm cây trồng trong vườn ở đây đa dạng và cho thu hoạch quanh năm, góp phần đáng kể trong nâng cao thu nhập ổn định cho người dân, mục tiêu trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế. Tuy có tiềm năng, nhung đến nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế tỷ lệ vườn tạp còn cao (70%), phần lớn sản xuất theo hình thức tự phát, quảng canh hiệu quả thấp.[2]

Tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có triển khai chính thức xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, tuy nhiên nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn đem lại hiệu quả cao.  Huyện Nam Đông là một ví dụ,  để xóa vườn tạp, người dân được vận động chuyển đổi vườn không thể trồng cây ăn quả sang trồng hoa màu, đậu các loại, mía và các cây thức ăn phục vụ chăn nuôi; không trồng các loại cây lâm nghiệp, công nghiệp dài ngày (keo, cao su…) trong vườn nhà mà chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn. Nam Đông phấn đấu đưa giá trị kinh tế vườn đạt bình quân 37 triệu đồng/năm, tỷ lệ vườn đạt giá trị 40 triệu đồng/ha trở lên đạt trên 80%.  Mỗi thôn xây dựng từ 3 – 5 vườn mẫu để nông dân học tập, nhân rộng. Vườn mẫu có diện tích tối thiểu 700m2 – 1000m2, có hàng rào xung quanh, có trồng cây dài ngày xen cây ngắn ngày, có thâm canh và cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.

Đến nay Đông đã định hướng rõ cây trồng, vườn mẫu cho từng địa phương như: trồng cam ở các xã Hương Phú, Hương Hòa, Hương Lộc; trồng ớt, tiêu ở các xã Hương Hữu, Thượng Long. Trong đó, thương hiệu cam Nam Đông ngày càng được nhiều người biết đến và tạo ra hướng đi nhiều triển vọng cho kinh tế vườn trên địa bàn huyện trong những năm tới.

Văn phòng Điều phối tỉnh



[1] ` Bộ tiêu chí nâng cao yêu cầu tiêu chí thu nhập bình quân đầu người hàng năm phải đạt 1,2 lần so với mức đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lẹ hộ nghèo phải giảm còn không quá 2,5%

[2] Diện tích đất vườn ở Thừa Thiên Huế chiếm 14,7% (8.682ha) tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp