Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

2733
+ aa -

Điều hành tác nghiệp

Cập nhật lúc : 08:36 30/03/2017
Thừa Thiên Huế- Giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp
Thừa Thiên Huế vừa ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả
Trước thực trạng ngành nông nghiệp tỉnh với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và thị trường thiếu ổn định thu nhập và đời sống của nông dân còn bấp bênh, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ đích hướng tới đó là: nâng cao giá trị gia tăng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với định hướng phát triển ngành chung của cả nước; gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành: nông nghiệp 44,4%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 45,3%, dịch vụ nông lâm nghiệp 3,8%; sản lượng lương thực có hạt từ 31-32 vạn tấn/năm; sản lượng thủy sản đạt 73 ngàn tấn/năm; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,7-2 lần so với năm 2015…

Đề án tập trung vào tái cơ cấu các lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, công nghiệp chế biến, ngành nghề nông thôn và tái cơ cấu trên từng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư để chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng núi, bãi ngang ven biển, đến năm 2020 ổn định diện tích lúa nước 52.000 ha, thanh trà đạt 1.000 ha, sắn công nghiệp từ 6.500-7.000 ha, cao su khoảng 13.500 ha, rau an toàn 600 ha, lạc 3.600 ha, ngô từ 2.000-2.500 ha. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, có điều kiện đảm bảo về môi trường, sản lượng thịt hơi đạt trên 45 ngàn tấn/năm, sản lượng mật ong nuôi đạt 2.000 tấn với 5.500 đàn. Phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn để từng bước thay thế dần gỗ rừng tự nhiên; đến năm 2020 diện tích rừng đạt 293,2 ngàn ha, trong đó rừng sản xuất đạt 122,1 ngàn ha. Phát triển thủy sản theo hướng ổn định diện tích nuôi ao hồ hiện có, phát triển nuôi cá hồ thủy lợi, thủy điện, hồ chứa nước tự nhiên, nuôi cá lồng, nghiên cứu các giống thủy sản giá trị cao như cá hồi, cá tầm…; phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá, trên vùng cát ven biển theo hướng tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu đến năm 2020 đạt 900 ha tôm nuôi trên cát với sản lượng 13,5 ngàn tấn; giảm dần đội tàu gần bờ để tăng đội tàu xa bờ có công suất 90 CV trở lên từ 15% hiện nay lên 30% năm 2020…

Trong những năm qua, sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tốc độ tăng trưởng được duy trì mức khá, cơ cấu kinh tế nội nghành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, hoàn chỉnh phục vụ phát triển sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu;các hình thức tổ chức sản xuất, ngành nghề nông thôn, chế biến và tiêu thụ nông sản được chú trọng đầu tư phát triển. Toàn tỉnh có 23 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Tuy vậy, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh đang đứng trước những thách thức đó là:

Nông nghiệp có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh phức tạp và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản còn thấp, hiệu quả chưa cao; đổi mới tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém và cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên canh đó, Đầu t­ư phát triển kết cấu hạ tầng chư­a đáp ứng đ­ược yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn còn thấp, nhất là ở các vùng đầm phá, ven biển. Đặc biệt là hệ thống đê sông, ven phá, ven biển; giao thông nội đồng; các công trình thủy lợi,...

Nông thôn đã có bước chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung thì nông thôn vẫn nghèo và phát triển chậm, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp; tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn còn tỷ lệ cao và thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn khá cao, dễ tái nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thực tiễn đặt ra cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm tới là phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Tốt về môi trường; Có hiệu quả kinh tế; Phù hợp với nhu cầu xã hội; Nhạy cảm về văn hóa; Áp dụng công nghệ thích hợp; Có cơ sở khoa học công nghệ hoàn thiện và Đem lại sự phát triển chung cho cộng đồng. Do đó, để đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, Thừa Thiên Huế cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; cần có nhận thức đầu đủ về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của chủ thể - người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh xã hội mới.

Thứ hai, huy động mọi nguồn lực xã hội để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất và dịch vụ; gắn kết, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ ba, đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong tỉnh, khu vực; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới và chú trọng tổ chức sản xuất theo hường nhóm hộ sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ.

Thứ tư, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạo tạo cho người dân nâng cao khả năng tiếp nhận khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã: giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn, ... ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

 

VPĐP (tổng hợp)