Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/04/2024

346
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 15:04 19/08/2021
Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng nông thôn mới
Phát huy truyền thống văn hóa của vùng đất Thừa Thiên Huế, trong những năm qua Thừa Thiên Huế đây mạnh triển khai thực hiện việc xây dựng, thực hiện hương ước, gắn hương ước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh bước đầu đạt một số kết quả nhất định.

Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư tự nguyện thỏa thuận và thiết lập dựa vào đặc tính văn hóa mỗi làng, xã, vùng, miền, mang tính tự quản của cộng đồng phù hợp với đạo đức, văn hóa của mỗi địa phương. Như vậy theo đó, hương ước, quy ước được xem như là bản giao ước thỏa thuận do văn hóa của mỗi làng, xã tự xây dựng phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của mỗi làng, xã theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, phù hợp với pháp luật Nhà nước, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. Trong đó, yếu tố văn hóa truyền thống (văn hóa họ tộc, gia đình, thôn, làng...) của mỗi địa phương được gìn giữ từ đời này sang đời khác, duy trì và phát triển phù hợp với đời sống xã hội, đó là yếu tố cốt lõi, là sức mạnh văn hóa vùng miền để thực hiện tốt các điều quy định trong hương ước, quy ước, hay nói cụ thể hơn "lệ làng" luôn song hành với "phép nước".

Trong quá trình triển khai, vận dụng hương ước, quy ước vai trò người đứng đầu làng, trưởng họ tộc luôn đóng vai trò quan trọng, họ là những người có ảnh hưởng đến các hành vi, ứng xử người dân trong làng, là người vận hành trực tiếp hương ước đến đời sống nhân dân tại địa phương. Điều đó chứng minh yếu tố văn hóa truyền thống làng, xã (văn hóa tôn trọng người đứng đầu họ tộc, trưởng làng...) đã ăn sâu vào tiềm thức và ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, đặc biệt ở các vùng quê, chính điều đó đã tạo nhiều thuận lợi để đưa hương ước, quy ước vào đời sống, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.

Việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ dần các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, đồng thời, phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là trong vấn đề ma chay, cưới hỏi (nạn tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số ở vùng miền núi A Lưới, Nam Đông đã được hạn chế đáng kể), vệ sinh môi trường, khuyến học, đốt, rãi vàng mã...đã được người dân thực hiện văn minh, tiến bộ hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Các tập tục lạc hậu trong các lễ hội, đặc biệt là một số phong tục lạc hậu trong lễ hội của người dân tộc thiểu số đã được loại bỏ. Một số tập tục lạc hậu tồn tại khá lâu đời trong đời sống của mỗi địa phương dần được điều chỉnh phù hợp với đời sống, pháp luật... đều xuất phát từ truyền thống gắn kết cộng đồng làng, xã, góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn minh đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, hướng xã hội đến cuộc sống văn minh hơn.

Không thể phủ nhận vai trò của hương ước, quy ước trong việc đem lại nhiều kết quả từ các cuộc vận động nhân dân tham gia vào các chủ trương của Nhà nước tại mỗi địa phương, đặc biệt là trong việc xây dựng nông thôn mới đã được người dân tích cực hưởng ứng. Các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới đã được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, như hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí xây Nhà văn hóa thôn, xây dựng hệ thống đường thôn, xã...Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 31/12/2020 Thừa Thiên Huế đã có 62 xã /97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 63,9% (trong đó có 58 xã đã có Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM) với kết quả đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn thành mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, chính hương ước đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình vận động người dân cùng với chính quyền thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Việc xây dựng quy ước văn hóa với nội dung các cuộc vận động trong phong trào xây dựng gia đình, làng, khu dân cư văn hóa với những nội dung cụ thể, thiết thực, đồng bộ đã có tác động tích cực đến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 1096 hương ước, quy ước được phê duyệt, đạt tỷ lệ 98,9%; 258.380 gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 73,1%; số Khu dân cư vă hóa được công nhận đạt chuẩn văn hóa là 1096/ 1109 đạt tỷ lệ 98,8%.

Bên cạnh đó, các phong trào như gương người tốt việc tốt, phong trào giúp nhau làm giàu, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào khuyến học... tại mỗi địa phương cũng được người dân tích cực hưởng ứng. Sự tác động tích cực của việc vận dụng hương ước, quy ước vào đời sống tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua đã góp phần đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính toàn diện theo hướng phát triển cả chất lượng và số lượng. 

Trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác xây dựng, thực hiện hương ước quy ước đảm bảo các nguyên tắc góp phần chung cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, để hương ước, quy ước thật sự phát huy vai trò của mình trong cộng đồng, thời gian tới cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, rà soát việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đảm bảo các nguyên tắc. Gắn việc thực hiện hương ước, quy ước vào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"  và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ hai, các địa phương chủ động tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, đồng thời thực hiện rà soát, kiểm kê các tập quán xã hội tốt đẹp để nghiên cứu đưa vào mẫu quy ước, hương ước nhằm phát huy các giá trị văn hóa của vùng, miền; trang bị tài liệu cho những người có trách nhiệm trong xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước theo hướng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, đúng pháp luật.

Thứ ba là chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hương ước, quy ước, thực sự đưa nội dung hương ước đi vào cuộc sống, qua đó nâng cao vai trò của quy ước trong việc giáo dục, gìn giữ và bảo tồn thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Thứ tư là các địa phương hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện hương ước để khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt.

CTV