Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

673
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 16:29 13/07/2020
BHYT Thừa Thiên Huế đạt tỷ lệ trên 98,6%
Đến hết tháng 5/2020, Thừa Thiên Huế có người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ bao phủ trên 98,6% và là 1 trong 5 địa phương có tỷ lệ người tham gia BHYT cao nhất cả nước.

Xác định là cách tuyên truyền và vận động tốt nhất, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung nâng cao chất lượng, củng cố hệ thống y tế từ xã đến tỉnh; duy trì ở tuyến xã có 100% bác sĩ, đầu tư các trang thiết bị cơ bản, giải quyết khoảng 50% tổng số bệnh nhân khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh.

Về chất lượng dịch vụ y tế, hiện Thừa Thiên Huế có hệ thống khám chữa bệnh phủ lấp đến 192 cơ sở trong toàn tỉnh; mở rộng sang cả khu vực công lập và tư nhân. Đáng nói, có bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn với nhiều kỹ thuật tiên tiến được ghi nhận, người dân có thể yên tâm khi chữa bệnh. Từ năm 2019 đến nay, nhiều cải tiến được ngành BHXH thực thi hướng đến đáp ứng quyền lợi của bệnh nhân. Đặc biệt, ngành phối hợp với Sở Y tế thống nhất trong việc quy định sử dụng thuốc cho các phòng khám chưa phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn; tháo gỡ vướng mắc trong việc chuyển tuyến và điều chỉnh công tác chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB.

Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh. Thậm chí, có người bệnh có chi phí KCB lên tới hàng tỷ đồng. Từ đầu năm 2016 đến 2019, thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho 50 bệnh nhân nặng có chi phí KCB đặc biệt cao, từ 392 triệu đồng đến cao nhất là 949 triệu đồng. Đó là trường hợp bệnh nhân có mã thẻ HT346000020XXXX, mắc bệnh hẹp (hở) van động mạch chủ, vào viện ngày 20/9/2017 và xuất viện ngày 23/1/2018 với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa BHYT, BHXH tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục tham gia và cấp thẻ BHYT. Thông qua hệ thống phần mềm, doanh nghiệp có thể kê khai và nộp hồ sơ BHXH qua mạng internet. Hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT đi vào hoạt động, đã kết nối 100% cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương; kịp thời thực hiện chính sách thông tuyến KCB BHYT đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn.

Việc cấp thẻ BHYT điện tử còn giải quyết tình trạng lạm dụng quỹ khi đi khám nhiều lần. Bệnh nhân chỉ thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt... giúp thuận tiện và giảm phiền hà. Sử dụng thẻ BHYT điện tử cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu, điều chỉnh quyền lợi…

Đối với cơ sở KCB, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân vừa giảm được thời gian kiểm tra thủ tục, lại vừa bảo đảm nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử. Quan trọng hơn, toàn bộ bệnh tật đều được lưu trữ trên thẻ, thuận lợi cho bác sĩ  theo dõi và điều trị bệnh. Các cơ sở y tế tránh được việc sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng, với tần suất có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý.

Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các sở, ngành, sự chủ động, của cơ quan BHXH tỉnh và những lợi ích mà chính sách BHYT mang lại, số người tham gia BHYT ở Thừa Thiên Huế ngày càng tăng cao. Thực tế cho thấy, để tất cả người dân đều được chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng các dịch vụ y tế do quỹ BHYT bảo đảm là một trong những mục tiêu quan trọng mà BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu và tiến rất gần.

Theo báo TTH