Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

2301
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 15:38 11/09/2015
Đào tạo nghề nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng (tiêu chí số 14) trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác đào tạo nghề đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Tại huyện Quảng Điền, gần đây xuất hiện khá nhiều ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Các ngành nghề làm bún, đan lát mây tre, thêu, mộc dân dụng… tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Người dân được các cấp, ngành tạo điều kiện nâng cao tay nghề, mua sắm trang thiết bị, máy móc tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đa phần người dân tận dụng lúc nông nhàn tham gia phục vụ sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp. Các ngành nghề như làm nón lá, thêu, đan lát… không chỉ thu hút lao động trung niên, thanh niên mà ngay cả các người già, học sinh cũng có thể sản xuất, tăng thêm thu nhập.

 

 

Nghề đan lát ở HTX Bao la, Quảng Phú, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế 

 

Từ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành hàng chục cơ sở sản xuất, với khoảng 1.000 lao động tham gia. Hằng năm, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao. Các lao động sau khi được đào tạo đều đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Nhiều thanh niên học nghề may được các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tuyển dụng, thu nhập khá cao, bình quân từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng. Đánh giá của Phòng Công thương huyện Nam Đông, hầu hết lao động tham gia sản xuất tại các cơ sở ngành nghề đều có đời sống ổn định.
Tại huyện miền núi Nam Đông, mấy năm qua các ban ngành chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phòng Công thương huyện phối hợp với các ban ngành tổ chức các lớp đào tạo nghề thêu, mộc mỹ nghệ, giải quyết việc làm tại địa phương, đáp ứng nhu cầu một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với hàng trăm lao động. Huyện đã đầu tư xây dựng một cơ sở thêu, tạo việc làm khá ổn định cho lao động ở các xã định canh, định cư; tổ chức các lớp đào tạo nghề làm chổi đót, mộc dân dụng, may mặc, sửa chữa xe máy, cơ khí…
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, các địa phương, ban ngành đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 19 ngàn người. Thông qua các mô hình, dự án, các doanh nghiệp còn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho lao động về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biển hải sản, vệ sinh an toàn thực phẩm… Riêng lĩnh vực quản lý, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho gần 1.000 chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, trên 1.000 lượt cán bộ kiểm soát, kế toán hợp tác xã.
Mặc dù đạt những kết quả ghi nhận nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua vẫn còn hạn chế. Một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, lao động sau khi học nghề không tìm kiếm được việc làm. Có ngành nghề đào tạo chưa đảm bảo chất lượng nên nhiều lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng buộc phải đào tạo lại. Ngay cả một số nghề trong nông nghiệp, các học viên cũng chưa nắm bắt kỹ nên không thể tự tổ chức sản xuất… Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động là mục tiêu, định hướng của các cơ quan, ban ngành. Các ngành nghề được lựa chọn đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động. Các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo nghề cần nghiên cứu nhu cầu thị trường tuyển dụng lao động để có sự định hướng phù hợp; phải gắn với giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Văn phòng Điều phối tỉnh