Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 26/04/2024

825
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 09:57 09/04/2020
Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ quan trọng để tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, nhiều LĐNT được đào tạo, giải quyết việc làm thông qua liên kết giữa trung tâm dạy nghề cấp huyện với các doanh nghiệp đóng tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, ở xã Phong An (Phong Điền) là một trong nhiều LĐ có được việc làm, thu nhập ổn định tại một công ty may mặc lớn đóng trên địa bàn huyện sau 3 tháng được Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền mở lớp đào tạo nghề may.

Còn nhớ cách đây gần 6 năm, chị Hoa chỉ biết quanh quẩn nuôi vài con lợn, con gà, trồng vài sào ruộng với thu nhập bấp bênh, ít ỏi. Bây giờ, không chỉ có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... mà ngay trong đợt tạm nghỉ do dịch COVID-19, chị Hoa và nhiều LĐ có thâm niên trong công ty được hỗ trợ hưởng mức lương cơ bản.

Tham gia khoá đào tạo về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, ông Nguyễn Lai, xã Hương Toàn, TX. Hương Trà chia sẻ: Khi chưa qua lớp đào tạo, tôi và nhiều bà con cứ theo thói quen, kinh nghiệm bón nhiều phân để lúa tốt, phun xịt thuốc để diệt trừ sâu bệnh, mà không nghĩ rằng về lâu dài sẽ làm nghèo chất đất, tốn kém chi phí. Đến khi tham gia lớp học, chúng tôi đã học được cách bón phân hữu cơ thay phân vô cơ, cày ải, lật đất tơi xốp, cách ủ rơm rạ tạo vi sinh vật có lợi cho đất mà không phải đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng... Nhờ đó, qua mấy vụ sản xuất, không chỉ giảm chi phí, công bơm phun thuốc mà lúa còn cho năng suất, giá trị cao hơn.

Cũng qua lớp đào tạo về mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép, mô hình nuôi cá bống, cá đối mục an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh phối hợp với HTX, anh Nguyễn Văn Giàu ở xã Vinh Giang (Phú Lộc) và nhiều hộ nuôi khác đã thay đổi cách nuôi từ việc đầu tư cải tạo ao nuôi, chọn con giống chất lượng đến thức ăn. Đến nay, mô hình nuôi thủy sản xen ghép theo hướng an toàn sinh học ở địa phương và nhân rộng ở nhiều nơi đem lại năng suất ổn định, cho thu nhập cao.

Đánh giá tại các hội nghị tổng kết công tác đào tạo nghề cho LĐNT hằng năm, đa số LĐ sau khi học nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng LĐ nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Đa ngành, đa lĩnh vực

Việc đào tạo nghề cho LĐNT đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng học nghề của một bộ phận người LĐNT, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất. Những mô hình làng nghề, dạy nghề trong doanh nghiệp (DN), dạy nghề vùng chuyên canh… được triển khai phù hợp với tình hình dư thừa LĐ phổ thông nhưng thiếu lao động có tay nghề. Từ đó, đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người LĐ, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua những đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng, mục tiêu năm 2020 tạo việc làm cho thêm khoảng 16 nghìn người; duy trì tỷ lệ thất nghiệp LĐ khu vực thành thị xuống dưới 2% và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian LĐ khu vực nông thôn lên trên 85%; nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 68%.

Bên cạnh đổi mới, nâng cao công tác đào tạo nghề, để đạt được mục đích cuối cùng là tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người LĐ, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm tại chỗ cho LĐ.

Trong đó, để tạo thêm việc làm, thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương, ban ngành tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh phát triển các vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất, chế biến cho các ngành nghề; mở rộng kinh tế trang trại, tổ hợp tác và các loại hình dịch vụ, du lịch...

Hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ cũng như các DN cần số lượng lớn LĐ có tay nghề, LĐ phổ thông đang có nhu cầu thành lập hoạt động ngay tại khu vực nông thôn để khai thác lợi thế nguồn LĐ tại chỗ. Đây cũng là hình thức "đôi bên cùng có lợi", nên địa phương tập trung tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, vốn, thủ tục pháp lý..., góp phần để các DN ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho LĐNT.

CTV- Sở LĐTBXH