Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

2609
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 09:01 31/08/2015
Mô hình nhà ở NTM bền vững cho thời kỳ CNH - HĐH.
Phát triển mô hình nhà ở nông thôn mới (NTM) bên cạnh những yếu tố hiện đại rất cần có những hiểu biết và giải pháp kế thừa phù hợp để có thể gìn giữ và phát huy được những giá trị của nền văn minh này. Đây cũng có thể là những giải pháp tốt để có được một mô hình nhà ở NTM bền vững phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn thời kỳ CNH - HĐH.

Những kết quả đáng ghi nhận và tồn tại

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng đã thay đổi tích cực.

Tuy nhiên để có những thành tựu tiếp theo trong công cuộc phát triển NTM rất cần nhìn lại, đánh giá những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới 2015 – 2020.


Đề xuất mẫu nhà ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ trên cơ sở kế thừa truyền thống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các mô hình NTM còn một số tồn tại. Đầu tiên, quy hoạch nhiều nơi đã đánh mất đi các cảnh quan nông thôn địa phương. Nhiều cảnh quan mang đậm giá trị văn hóa của nền văn minh nông nghiệp đã bị biến đổi do nhu cầu phát triển kinh tế và nhận thức chưa đúng của người dân cũng như người làm quản lý.

Các làng xã truyền thống do quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa, cuộc sống thiên về dịch vụ nên vấn đề tự cung, tự cấp không còn cần thiết, vườn chia nhỏ để xây dựng không còn bóng dáng lũy tre, cây đa, giếng nước, vườn rau, ao cá… Làng xã truyền thống thuần nông, làng nghề đã vậy, các khu dân cư NTM (ngoại vi đô thị, cạnh các khu công nghiệp tập trung, hay gần các trục đường giao thông mới…) cũng tự phát theo kiểu đô thị (cấu trúc đường phố và nhà chia lô liền kế).

Văn minh lúa nước và văn minh nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Do vậy, những giá trị của văn minh văn hóa nông nghiệp đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt. Nông nghiệp và cư dân nông nghiệp đã, đang và luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy mô hình làng và nhà ở tại vùng NTM đang bị tác động mạnh mẽ của tiến trình phát triển và đô thị hóa, gây ra nhiều thay đổi theo hướng tiêu cực. Cấu trúc làng bị thay đổi, các công trình công cộng bị lấn chiếm.

Nhà ở vùng nông thôn cũng không tránh được sự xoay vần của quy luật phát triển cấu trúc làng xã thay đổi và có chiều hướng theo đô thị, làm mất đi tính ưu việt của môi trường mang tính sinh thái truyền thống xưa kia. Trên tinh thần xóa đói giảm nghèo, các công trình kiến trúc đặc biệt là nhà ở mới ở mức độ xóa bỏ nhà tạm, dột nát. Từ “ngói hóa” đến “bê tông hóa”, những chủ trương nhằm tăng chất lượng công trình nhưng lại là nguy cơ khiến người dân xa rời những vật liệu truyền thống, nhiều ngôi nhà ở truyền thống có giá trị bị phá hủy.

Khuôn viên các ngôi nhà bị thu hẹp hoặc chia cắt, diện tích mặt nước, cây xanh ít dần đi. Lũy tre làng một thời từng ăn sâu vào tiềm thức người nông dân nay dần biến mất hoặc còn rất ít. Nhu cầu sử dụng vật liệu tre trong xây dựng và sửa chữa nhà cửa của cư dân cũng ngày càng ít đi. Diện tích mặt nước ao hồ đóng vai trò quan trọng trong việc thoát và dự trữ nước cho sinh hoạt và canh tác dần bị thu hẹp và bị ô nhiễm.

Các ngôi nhà 1 tầng theo kiểu truyền thống dần bị thay thế bằng các kiểu nhà đô thị, đặc biệt các kiểu nhà lô có diện tích vừa và nhỏ. Quá trình khảo sát vẫn ghi nhận sự tiếp tục xây dựng kiểu nhà truyền thống. Tuy nhiên do giá vật liệu gỗ và công thợ mộc cao nên rất ít gia đình có khả năng làm nhà kiểu này. Thay vào đó, một xu hướng phổ biến hơn là xây dựng nhà mái bằng 1 hoặc 2 tầng, tường xây gạch. Ngoài ra những hộ có điều kiện hơn về kinh tế thì copy một số nhà kiểu biệt thự 2 - 3 tầng, mái bê tông cốt thép dán ngói từ các đô thị lớn.

Đổi mới thiết kế mô hình nhà ở NTM giai đoạn 2015-2020

 

Nhà ở vùng nông thôn ứng dụng công nghệ pin mặt trời tiết kiệm năng lượng.

Hướng tới mô hình kiến trúc xanh hiện đại, quy hoạch và nhà ở NTM cần có những thay đổi về mặt nhận thức trong quản lý phát triển. NTM cần được phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến có tính đến các yếu tố lối sống, sinh hoạt và sản xuất, đặc điểm vùng miền và kiến trúc truyền thống. Một số giải pháp dưới đây được đề xuất trên cơ sở điều kiện tự nhiên văn hóa và xã hội của từng địa phương:

Kế thừa những mô hình sinh thái truyền thống và thích ứng khí hậu trong quy hoạch và kiến trúc cần: Bảo tồn cảnh quan nông thôn tại các địa phương bao gồm ngôi nhà và các yếu tố tự nhiên xung quanh. Mật độ dân cư trong các làng cần được kiểm soát, đưa ra các mô hình khuôn viên đất và mật độ xây dựng hợp lý để mỗi ngôi nhà NTM trở thành một đơn vị cân bằng sinh thái tự thân, đóng góp cho hệ sinh thái chung của làng. Khuyến khích triển khai và nhân rộng mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) truyền thống.

Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, nên phát triển các hộ mới ra những khu vực đất chưa khai thác hoặc đất nông nghiệp năng suất thấp để giảm tải về áp lực dân số. Phát triển hệ thống cây xanh theo nguyên tắc truyền thống đón gió mát chặn gió lạnh, chống gió bão và tạo thêm nguồn nguyên liệu trong xây dựng và sản xuất.

Nạo vét, duy trì các ao hồ và không gian mặt nước và đưa ra những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm các nguồn nước này. Nghiên cứu các mẫu nhà với quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với tình hình quỹ đất và sử dụng thực tế có ngôn ngữ kiến trúc thân thiện với cảnh quan vùng nông thôn, có nguyên tắc tổ chức không gian hợp lý, tiện dụng trong đó tính đến cả không gian phục vụ sản xuất nghề phụ.

Khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến: Những công trình kiến trúc NTM phải đón được làn gió của tương lai, đó là những công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Giúp người dân thay đổi nhận thức về giá trị ngôi nhà truyền thống.

Khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật cho việc bảo tồn, tái sử dụng các ngôi nhà truyền thống. Khuyến khích khai thác và học tập kinh nghiệm truyền thống khi xây dựng nhà mới. Hạn chế xây dựng những ngôi nhà kiểu đô thị (nhà ống) do phá vỡ cảnh quan và làm mất đi hình ảnh nông thôn truyền thống. Phát triển nguồn nguyên liệu xây dựng tại địa phương, ưu tiên và khuyến khích các vật liệu có năng lượng hàm chứa thấp, khả năng tái chế cao.

Khuyến khích thu gom và khai thác nguồn nước mưa. Chất thải và nước thải cần được quản lý kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (bế khí sinh học biogas, phân bón vi sinh…) xử lý trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích khai thác và áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Các công cụ thiết kế phần mềm mô phỏng và công nghệ mới cần được mạnh dạn ứng dụng trong những dự án phát triển NTM. Với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, trong biên bản cuộc họp ngày 17/4/2014 giữa Viện Kiến trúc Nhiệt đới và các chuyên gia của USAID đã đưa nội dung mô phỏng hóa tiết kiệm năng lượng vào các thiết kế điển hình.

Hệ thống chính sách quản lý: Để những giải pháp trên có thể đi vào cuộc sống rất cần các biện pháp về quản lý: Cần sớm ban hành các chính sách quản lý, định hướng quy hoạch, bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn mới hiện nay. Đề xuất các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho các loại hình nhà ở nông thôn (ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật, vật liệu tiên tiến thân thiện môi trường) sao cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội nông thôn, từng bước nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân xây dựng theo.

Các khu nhà ở NTM phát triển phải được quy hoạch tổng thể và quản lý xây dựng từ hạ tầng đến kiến trúc công trình. Lựa chọn các loại vật liệu xây dựng địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như khí hậu đặc trưng của từng vùng.

Cần quy định về diện tích chiếm đất, chiều cao công trình, diện tích sàn, khoảng lùi so với chỉ giới quy hoạch, các công năng phù hợp với nhu cầu nhà ở NTM, tỷ lệ % diện tích trồng cây xanh, mặt nước trong khuôn viên khu đất xây dựng nhà ở.

NTM cần được phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến có tính đến các yếu tố lối sống, sinh hoạt và sản xuất, đặc điểm vùng miền và kiến trúc truyền thống.

Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, phát triển các hộ mới ra các khu vực đất chưa khai thác hoặc đất nông nghiệp năng suất thấp để giảm tải về áp lực dân số; Phát triển hệ thống cây xanh theo nguyên tắc truyền thống đón gió mát chặn gió lạnh, chống gió bão và tạo thêm nguồn nguyên liệu trong xây dựng và sản xuất.

Nghiên cứu các mẫu nhà với quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với tình hình quỹ đất và sử dụng thực tế có ngôn ngữ kiến trúc thân thiện với cảnh quan vùng nông thôn, có nguyên tắc tổ chức không gian hợp lý, tiện dụng trong đó tính đến cả không gian phục vụ sản xuất nghề phụ.

Đất nước trong quá trình phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Đô thị hoá làm thay đổi nhiều nhất đến bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó ảnh hưởng nhiều là văn hoá xã hội, phong tục tập quán và kiến trúc nhà ở.

Để các thiết kế điển hình nhà ở nông thôn đi vào cuộc sống, phương án thiết kế cần linh hoạt để có thể áp dụng cho các điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội và đặc trưng văn hóa vùng miền khác nhau. Ba nội dung rất cần quan tâm đó là bảo tồn các cảnh quan nông thôn địa phương; Kế thừa mô hình sinh thái truyền thống và thích ứng khí hậu; Áp dụng các kỹ thuật, vật liệu và công nghệ hướng tới những công trình nông thôn của tương lai.

Lê Thanh Dũng

Phòng Quy hoạch- Sở Xây dựng (tổng hợp)