Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/04/2024

1040
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 14:34 30/11/2018
Thừa Thiên Huế sơ kết cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới".
Sáng nay, tại khách sạn Duy Tân, thành phố Huế, UBMT tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2003-2018) Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"

Báo cáo tổng kết hoạt động, bà Lê Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho biết, để thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”: Trong 3 năm qua, UBMT tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh về việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các cấp triển khai tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tiêu biểu là đã thực hiện nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, xã; đồng thời đánh giá kết quả và khen thưởng thực hiện Cuộc vận động với các xã và khu dân cư trên địa bàn tỉnh; chọn đơn vị chỉ đạo điểm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an”, chú trọng công tác vận động người dân tham gia đóng góp hàng chục tỷ đồng; hiến tặng hàng chục triệu mét vuông đất; tháo dỡ những, tường rào công trình làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nông thôn qua đó đã góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đặc biệt, để đẩy mạnh cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã quan tâm phối hợp cùng ngành Văn hóa đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vận động các gia đình, các khu dân cư tích cực xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, giữ gìn môi trường nông thôn, đô thị xanh, sạch, đẹp… Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện những quy định về nếp sống văn minh đô thị, nông thôn như tổ chức việc cưới, việc tang tiết kiệm, không phô trương lãng phí, thực hiện việc tang lễ không để quá 3 ngày, hạn chế rải vàng mã trên đường đưa tang; không mê tín dị đoan, bói toán, đồng bóng...đã được các địa phương, ban ngành và nhân dân hưởng ứng. Tiêu biểu là phường Thủy Dương (Hương Thủy), xã Vinh Hải (Phú Lộc) và các xã của huyện A Lưới. Qua đó, bước đầu đã tạo được những chuyển biến mới trong ý thức của người dân, tạo thói quen trong cách nghĩ, nếp sống của người dân về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, giao tiếp có văn hóa, văn minh, lịch sự ...

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.197 làng (thôn, bản, tổ dân phố) được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92% so với đăng ký. Có 252.151 gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 92,3% so với đăng ký; 1.165 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92% so với đăng ký. Có 70 nhà văn hóa cấp xã, có 817 nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương từng bước được đầu tư trùng tu, tôn tạo; nhiều công trình văn hóa đã được xây dựng mới và nâng cấp để phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi và duy trì tốt ở các địa phương như: Lễ hội cầu ngư ở xã Phong Hải, xã Quảng An; lễ hội đu tiên ở xã Quảng Thọ, xã Điền Hòa; lễ hội đua ghe ở xã Phong Hòa, Phong Bình; Hội vật làng Thủ Lễ; chơi bài chòi ở xã Phong Hiền…

Thông qua các hoạt động, đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước; tạo sức lan tỏa rộng và ngày càng được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng đối với ”Phong trào toàn dân đoàn kết dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, sự gắn kết, đoàn kết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, của cộng đồng, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, hạ tầng đô thị, nông thôn khang trang, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Nguyễn Văn Chất (MTTQ TTH)