Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

2043
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 08:25 15/07/2015
Thừa Thiên Huế: 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch
Là một địa phương luôn phải đối diện với thiên tai như lũ lụt cũng như hạn hán kéo dài, tuy nhiên, với nhiều cách làm linh hoạt, vận dụng tốt các nguồn vốn, tính đến này đã có 125 trên tổng số 152 xã, phường ở Thừa Thiên - Huế đã được sử dụng nước máy.

Thời điểm trước năm 2011, nước sạch là một khái niệm khá xa vời đối với người dân vùng Ngũ Điền (gồm các xã Điền Hải, Điền Hòa, Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc). Đây là vùng đất nằm gần như tách biệt với các xã khác của huyện Phong Điền, bởi sự ngăn cách của hệ đầm phá Tam Giang. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, người dân phải dựa vào nguồn nước giếng đào, song chất lượng không đảm bảo vì bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhiễm titan thường xuyên. Mặt khác, người dân Ngũ Điền còn luôn phải đối diện với nguy cơ xâm thực của nước trên phá Tam Giang mỗi khi mùa mưa bão về.

Thi công ống nước cấp vượt phá Tam Giang

Ý tưởng xây dựng một hệ thống đường ống cấp nước sạch vượt phá Tam Giang đến với người dân Ngũ Điền đã được Công ty TNHH Nhà nước MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên- Huế (HueWaco) thực hiện từ năm 2009. Đến mùa hè năm 2011, người dân vùng Ngũ Điền vỡ òa trong sung sướng khi mạng lưới ống dẫn nước sạch sinh hoạt chính thức phủ kín từng thôn, xóm ở nơi đây.

Nếu nỗi khổ của người dân vùng Ngũ Điền được giải quyết bằng cách làm đột phá của lãnh đạo địa phương và trực tiếp là Công ty HueWaco, thì cơn khát của người dân xã Hương Sơn (huyện Nam Đông) lại được thỏa mãn bằng cách làm đơn giản, dễ hiểu nhưng không ai chịu làm trước đó.

Tại xã này trước đây đã có hệ thống nước tự chảy do nguồn vốn phi Chính phủ đầu tư. Song, cũng như tình trạng “cha chung không ai khóc” xảy ra ở nhiều địa phương khác trong việc bảo vệ, sửa chữa hệ thống đường ống thường xuyên nên hệ thống hư hỏng. Chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, người dân lại phải xách xô, can đi múc nước hoặc đào giếng để có nước dùng.

Sau khi được UBND huyện Nam Đông chọn làm xã điểm xây dựng xã nông thôn mới, việc quan tâm đến hệ thống ống nước tự chảy để không bao lâu nay mới được khơi lại. Để người dân có nước sạch dùng sinh hoạt, xã Hương Sơn đã phối hợp với Công ty HueWaco, chi nhánh Nam Đông, cải tạo lại hệ thống ống nước tự chảy, nối với hệ thống nước máy của công ty. Đến nay đã có 327/331 hộ dân của xã được dùng nước máy, đạt tỷ lệ 98,8% và trở thành xã dẫn đầu cả huyện Nam Đông về tỷ lệ dùng nước máy hợp vệ sinh.

Hai dẫn chứng trên chính là hiệu quả của chủ trương tập trung nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQG NS &VSMTNT) để nối mạng nước máy đô thị về nông thôn của tỉnh Thừa Thiên - Huế từ năm 2005. Nguồn vốn được phân bổ về một đầu mối là Công ty HueWaco với mục tiêu nâng cấp mở rộng các nhà máy nước sạch đô thị để đấu nối hòa mạng lưới cấp nước sạch chung của tỉnh, từ đó đấu nối cấp nước sạch lâu dài ổn định cho khu vực nông thôn. Thông qua hệ thống cấp nước do Công ty Cấp nước quản lý, vận hành đã cơ bản cung cấp nước đảm bảo về chất lượng, số lượng và thời gian cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 125/152 phường, xã đã có nước máy của Công ty Cấp nước.

Ngoài những công trình cấp nước tập trung đã bàn giao Công ty Cấp nước tiếp nhận quản lý, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 29 công trình cấp nước tập trung do địa phương quản lý, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới. Phần lớn những công trình này hiện hoạt động kém hiệu quả do xây dựng đã lâu nhưng thời gian gần đây không được đầu tư nâng cấp, công tác quản lý vận hành không đảm bảo và ý thức trong việc bảo quản, sử dụng của người dân chưa cao. Vấn đề này đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương tập trung đầu tư nguồn vốn cũng như tháo gỡ những khó khăn, tồn tại để đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân.

Với những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp, các ngành, các chỉ tiêu về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn tỉnh Thừa Thiên -  Huế đến nay đều đạt mức quy định so với mục tiêu của Chương trình MTQG NS&VSMTNT đề ra. Trong đó chỉ tiêu vượt mục tiêu của Chương trình là tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt 68%, vượt 8% mục tiêu đề ra trong năm 2015.

Ngoài những chỉ tiêu đạt và vượt, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 95% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 75% người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế, các trường học mầm non, trường học phổ thông khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có đủ nước sạch được quản lý sử dụng tốt.

Văn phòng điều phối tỉnh