Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/04/2024

1107
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 11:00 05/07/2017
Thừa Thiên Huế: Giải pháp giảm nghèo bền vững
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, phấn đấu đưa tỉ lệ hộ nghèo chung tỉnh từ 7,19% xuống còn 6,09% vào cuối năm 2017, đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 4%.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) trên toàn tỉnh là 20.623 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 7,19% và 15.777 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 5,5%.

Hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 35,04%; huyện Nam Đông có 900 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 14,5%). Hiện nay, hai địa phương này đang tích cực thực hiện các biện pháp giảm nghèo như chuyển đổi cơ cấu hợp lý cây trồng, vật nuôi và triển khai các mô hình sinh kế phù hợp nhằm tạo thêm việc làm cho người nghèo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ, để giảm nghèo bền vững, huyện đang tập trung giải quyết hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt. Đồng thời tạo điều kiện để người dân tham gia vào dự án và các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thông qua đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế Hà Văn Tuấn cho biết, để thực hiện giảm nghèo bền vững, các địa phương đã ưu tiên và lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 27 công trình hạ tầng tại các xã nghèo; hỗ trợ nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo đặc biệt tại các xã miền núi, giúp tăng khả năng tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận nhiệm vụ giúp đỡ 17 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao trên 25% (3 đơn vị giúp 1 xã) đã có những việc làm cụ thể như: Giúp đỡ hộ nghèo làm ăn, tìm việc làm, xóa nhà tạm; hỗ trợ khám, chữa bệnh; hỗ trợ việc học tập của con em hộ nghèo hoặc cận nghèo gặp rủi ro; hỗ trợ thiết bị dạy học, nhà văn hóa thôn, xã; làm đường giao thông, hệ thống chiếu sáng đường nông thôn; hỗ trợ xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật xã, trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý điều hành ở cấp xã.

Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ 14.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế; hỗ trợ dạy nghề cho 1.200 lao động nông thôn, xây dựng thí điểm mô hình sinh kế giảm nghèo có hiệu quả gắn với đặc thù của từng vùng, miền; thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho trên 90% hộ nghèo.

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Thừa Thiên-Huế tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phan Hùng Anh