Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 29/03/2024

963
+ aa -

Hoạt động ban ngành

Cập nhật lúc : 08:07 29/04/2020
Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, từ cơ sở lý luận đến thực tế triển khai thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chương trình có mục tiêu toàn diện, tổng hợp của các chương trình, mục tiêu, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của hơn 70% dân số toàn quốc và được triển khai thực hiện trong thời gian dài. Xây dựng nông thôn mới đặt ra là một tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần phải xác định rõ những chủ thể xây dựng nông thôn mới.

Có quan điểm cho rằng chủ thể xây dựng nông thôn phải là chính quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân mới thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Trong môi trường làng xã, một cá nhân hoàn toàn có thể hi sinh lợi ích của bản thân mình vì lợi ích tập thể. Chính vì những nguyên nhân đó mà tổ chức hợp tác làng xã nông thôn trở thành một cơ sở quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và thực hiện kinh doanh sản nghiệp hoá. Nông thôn Việt Nam vốn có truyền thống hợp tác, chính các tổ chức hợp tác nông thôn là nơi quy tụ tất cả nông dân lại với nhau, nó là chủ thể đưa người nông dân thâm nhập vào thị trường và tìm kiếm những lợi ích thị trường. Có thể nói, một khi tổ chức nông dân giành được lợi ích thị trường, thì cũng có nghĩa là người nông dân hưởng thụ được những lợi ích này.

Từ cải cách mở cửa cho đến nay, xu thế phát triển kinh tế thị trường đã đào tạo và xây dựng nên những chủ thể lợi ích đa dạng. Các chủ thể lợi ích khác nhau sẽ có những nhu cầu lợi ích khác nhau. Những lợi ích này có thể được thực hiện hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào trình độ tổ chức của các tổ chức đó. Chỉ có các tập đoàn lợi ích mang tính chất chế độ hóa, tổ chức hóa mới có thể phát huy được vai trò bảo vệ lợi ích cho tổ chức mình. Trong cơ chế kinh tế thị trường khắc nghiệt, và bối cảnh cải cách mở cửa ngày càng sâu rộng, chính người nông dân là đối tượng đã đóng góp nhiều nhất và đồng thời cũng hy sinh nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cũng chính họ lại là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất. Để cải thiện tình hình này, người nông dân cần phải tập hợp lại với nhau để xây dựng nên các tổ chức hợp tác đại diện cho quyền và lợi ích của mình, phát huy vai trò là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong thí điểm mô hình. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư nông thôn sẽ từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động trong phát triển nông thôn, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. Như vậy, vai trò của người dân vẫn theo một trật tự nhất định, các trật tự ở đây hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc”. Các nội dung trong nâng cao vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới được hiểu:

Dân biết: là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết của người nông dân về những kiến thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình quy hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai đoạn sau của quá trình xây dựng công trình. Người dân nắm được thông tin đầy đủ về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, quy mô công trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.

Dân bàn: bao gồm sự tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải pháp, mọi hoạt động của nông dân trên địa bàn như: bàn luận mở ra một hướng sản xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế, phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính,… trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi.

Dân đóng góp: là một yếu tố không chỉ ở phạm trù vật chất, tiền bạc mà còn ở cả phạm trù nhận thức về quyền sở hữu và trách nhiệm, tăng tính tự giác của từng người dân trong cộng đồng. Hình thức đóng góp có thể bằng tiền, sức lao động, vật tư tại chỗ hoặc đóng góp bằng trí tuệ.

Dân làm: chính là sự tham gia lao động trực tiếp từ người dân vào các hoạt động phát triển nông thôn như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hoạt động của các nhóm khuyến nông, khuyến lâm, nhóm tín dụng tiết kiệm và những công việc liên quan đến tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng công trình. Người dân trực tiếp tham gia vào quá trình cụ thể trong việc lập kế hoạch có sự tham gia cho từng hoạt động thi công, quản lý và duy tu bảo dưỡng, từ những việc tham gia đó đã tạo cơ hội cho người dân có việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Dân kiểm tra: có nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh kỹ thuật cũng như tài chính.

    Dân quản lý: đó là các thành quả của các hoạt động mà người dân đã tham gia. Các công trình sau khi xây dựng xong cần được quản lý trực tiếp của một tổ chức do nông dân hưởng lợi lập ra để tránh tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu công trình. Việc tổ chức của người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm nâng cao tuổi thọ và phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng công trình.

Dân hưởng lợi: chính là lợi ích mà các hoạt động mang lại, tuy nhiên cần chia ra các nhóm hưởng lợi ích trực tiếp và nhóm hưởng lợi gián tiếp. Nhóm hưởng lợi trực tiếp là nhóm thụ hưởng các lợi ích từ các hoạt động như thu nhập tăng thêm của năng suất cây trồng do thực hiện thâm canh, tăng vụ, áp dụng các giống mới, các kỹ thuật tiên tiến, phòng trừ dịch bệnh và các hoạt động tài chính, tín dụng... Nhóm hưởng lợi gián tiếp là nhóm thụ hưởng thành quả của các hoạt động đó, để hưởng lợi từ mức độ cải thiện môi trường sinh thái, học hỏi nhóm hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình nhân rộng, mức độ tham gia vào thị trường để tăng thu nhập.

Kết quả bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện chương trình đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của các xã điểm đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều hệ thống nước sạch cũng như việc xử lý chất thải đã hoạt động có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề đã đạt được hiệu quả nhất định. Các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới đã thực hiện việc quy hoạch chuyển đổi nhiều diện tích đất không hiệu quả kinh tế vào sản xuất các loại cây trồng phù hợp bằng biện pháp đưa giống mới năng suất cao vào thay thế các cây trồng không phù hợp. Bên cạnh đó đưa các loại giống cây lương thực và cây rau, hoa, có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; đã phát triển cây lương thực để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ bằng biện pháp quy hoạch lại diện tích trồng lúa, nâng cấp hệ thống tưới tiêu để tăng hệ số sử dụng đất lên 3 lần, thâm canh tăng năng suất lúa trên 100% diện tích làm năng suất lúa từ 4 tấn /ha/năm lên 12 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, các xã này còn vận động các nông hộ cải tạo vườn tạp để xây dựng những vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tiến hành thực hiện việc dồn điền đổi thửa rất thành công, từ đó đã làm số thửa của mỗi hộ giảm xuống 4 lần và cho hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển đa dạng hóa các làng nghề cũng được chú trọng, một số mô hình phát triển chăn nuôi được quan tâm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại hạn chế mà trong đó một trong những tồn tại quan trọng nhất là việc thực hiện chương trình vẫn chủ yếu xuất phát từ mong muốn của cấp trên đưa xuống. Sự tham gia của người dân từ khâu đề xuất những công trình thiết yếu cho đời sống, sản xuất... đến việc quản lý điều hành còn rất yếu, nhiều nơi người dân hầu như không được tham gia mà chỉ được vận động khi cần đóng góp, do đó nhiều công trình không thực sự là nhu cầu bức xúc của nhân dân nên xây dựng xong không được đưa vào sử dụng một cách có hiệu quả và nhanh chóng xuống cấp. Một số đoạn đường dân hiến đất, hiến cây cối nhưng lại không tham gia chỉnh trang tu tạo lại đường khi đã giải tỏa xong, người dân vẫn chưa thực sự nhiệt tình trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao vai trò của người dân là nâng cao thể chế quản lý, tự quản của cộng đồng người dân như xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước, nội quy của thôn, làng, bản. Phát huy vai trò của trưởng làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và các tổ chức tôn giáo tại địa phương; thực hiện đoàn kết trong toàn dân, xây dựng các mối quan hệ tốt trong thôn, xóm, làng, bản. Phát huy tinh thần thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, phòng chống và đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội. Đào tạo việc lập và thực hiện các dự án phát triển, cũng như việc vận hành và bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ. Đào tạo quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Thiết lập các tổ, nhóm quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ, hình thành các tổ nhóm tiết kiệm, tín dụng nông thôn.

Vấn đề đặt ra là tổ chức nào sẽ đóng vai trò quan trọng và thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Qua thực tế triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động và mới đây nhất là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhất là ở cộng đồng dân cư thì chỉ có Ban Công tác Mặt trận là đáp ứng được đầy đủ vai trò chức năng cần thiết để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia thực hiện chương trình. Thực tế cho thấy nơi nào mà Ban Công tác Mặt trận phát huy và thể hiện hết vai trò chức năng của mình thì ở đó khối đoàn kết toàn dân được giử vững, đời sống của các hộ gia đình được thay đổi, tình làng nghĩa xóm đùm bọc yêu thương nhau, không có tình trạng trẻ em bỏ học, thất học, lang thang cơ nhỡ, các tệ nạn xã hội bị đẩy lùi và không tồn tại, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được duy trì và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt phương châm “Dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được phát huy và từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới thì càng thể hiện rõ hơn, nhất là có thêm vế sau “dân hưởng lợi”.

    Qua triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiến hàng nghìn m2 đất, hàng trăm trụ cổng, trụ cổng, hàng rào và hàng nghìn cây cối cùng các loại tài sản khác ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu như không có vai trò của Ban Công tác Mặt trận trong đó có các thành viên là Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội NCT, Hội CTĐ, Hội Khuyến học cùng vào cuộc cùng đến tận từng gia đình để tuyên truyền vận động với nhiều hình thức để người dân hiểu và có nhận thức đúng về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nhằm đạt được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thay vì như khẩu hiệu mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng cụ thể là:

    Thứ nhất, để kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới sát thực và đáp ứng mong mỏi của người nông dân thì sự tham gia của người nông dân vào chương trình là rất cần thiết. Ví dụ: Trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, yêu cầu đặt ra là bộ mặt nông thôn vừa phải kế thừa được truyền thống văn hóa của địa phương, truyền thống hàng nghìn năm của nông thôn Việt Nam, nhưng cũng phải đáp ứng được nhu cầu hiện đại đổi mới của đất nước, phù hợp với sự phát triển của quốc tế. Để làm được điều này, ngay từ khi tiến hành lập quy hoạch, người nông dân cần tham gia vào các hoạt động ngay từ đầu. Người dân phải được tham gia bàn luận, bởi họ là người sống và hiểu truyền thống tại cộng đồng nhất, mà các công trình được triển khai tại cộng đồng, người dân lại là những người được thụ hưởng kết quả từ những hoạt động hay những công trình đó.

    Thứ hai, người dân phải chủ động ra quyết định làm cái gì? Công việc nào ưu tiên làm trước, công việc nào có thể làm sau. Bởi sau khi bàn luận, phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, những thuận lợi và khó khăn của cộng động nơi họ đã sinh sống làm ăn bao đời nay do đó việc ra quyết định của người dân là rất quan trọng. Bởi sự lựa chọn của người dân sẽ phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp với nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

     Thứ ba, người dân phải thể hiện được quyền làm chủ của mình, tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của chính họ, một số hoạt động tại địa phương người dân có thể đảm nhiệm để có cơ hội đóng góp công sức tiền của cho quê hương trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đóng góp cho cộng đồng, họ còn có thể thêm thu nhập từ những hoạt động của chương trình thay vì phải đi thuê từ bên ngoài cộng đồng.

     Thứ tư, là làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà cửa, sân vườn cổng ngõ của họ theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho văn minh sạch đẹp của làng, xã từ chính nhà mình: Xây đủ các công trình vệ sinh, bố trí khu chăn nuôi hợp vệ sinh, cải tạo vườn, ao (vừa có thêm thu nhập) cải tạo ngõ tường rào để có cảnh quan đẹp vừa tạo môi trường sinh thái. Không thể có nông thôn mới nếu các hệ thống công cộng đẹp mà nơi ở của người dân lại xập xệ hoang tàn.

    Thứ năm, người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tự đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để thoát nghèo và làm giàu. Hay nói cách khác là: “chủ thể” cần thể hiện ở chỗ người dân phải từ nhu cầu tăng thu nhập mà chủ động tìm đến khoa học kỷ thuật, phải học, quyết định đầu tư, chọn hướng sản xuất và thâm canh trên ruộng vườn của mình để có năng suất cao.

    Xây dựng nông thôn mới là biện pháp tổng hợp để phát triển nông thôn và cần phải được thực hiện ngay từ chính những người dân ở cộng đồng dân cư. Sự tham gia của người dân và cộng đồng đóng vai trò quan trọng thì việc xây dựng nông thôn mới đi đúng trọng tâm, trọng điểm; giải quyết tốt những khó khăn bức xúc của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của họ. Chính vì vậy cần phải khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay./.

CTV