Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 18/04/2024

2815
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 14:53 09/03/2016
Nam Đông - Mục tiêu huyện nông thôn mới đàu tiên của Thừa Thiên Huế
Huyện miền núi Nam Đông được chọn làm điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều năm qua, toàn huyện tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đường sá, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Đến cuối năm 2015, toàn huyện đã có 5/10 xã đạt chuẩn NTM.

Xác định mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM là nâng cao thu nhập và đời sống người dân, những năm qua, huyện miền núi Nam Đông đã ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các công trình phục vụ dân sinh. Những con đường làng được bê-tông hóa, đường vào trung tâm sản xuất được nâng cấp, xây mới tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tiêu thụ sản phẩm. Kênh mương, thủy lợi nội đồng được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Đường giao thông nội đồng trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thiện, “kéo ra” tận đồng ruộng đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Năng suất và sản lượng lúa ngày càng tăng, bình quân hằng năm hơn 50 tạ/ha, cao hơn từ năm đến mười tạ so với năm năm trở về trước. Các loại cây trồng như xà lách, mướp đắng, mía, bầu, rau màu… được đầu tư thâm canh, gối vụ, nâng cao hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân mỗi ha ước đạt gần 40 triệu đồng. Kinh tế vườn được xác định là chủ lực, ngành nông nghiệp từng bước đưa các loại cây mới, giống mới vào sản xuất như cam Sài Gòn, cam Valencia, sầu riêng Ri6, mít nghệ, chuối mốc Thái-lan… Đó chính là điều kiện nâng cao thu nhập bình quân mỗi ha vườn lên 30 triệu đồng/năm.

Nhờ đó, các mô hình mới được quan tâm phát triển như nuôi ong mật, lợn rừng lai, bò lai Sind, lợn “siêu nạc”… Diện tích nuôi cá nước ngọt cũng được người dân mở rộng, nâng cao hiệu quả, bình quân mỗi ha đạt 75 triệu đồng/năm. Người dân phát triển chăn nuôi kết hợp với ngành nghề, dịch vụ. Các dịch vụ thương mại, viễn thông, vận tải… bảo đảm cung ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Biết cách làm ăn hơn, bà con có thêm điều kiện đóng góp vật chất xây dựng các công trình, nhà cửa khang trang. Tỷ lệ lao động tham gia lĩnh vực dịch vụ chiếm 24,1%, tăng 4,3% so với năm 2010; tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt gần 200 tỷ đồng là những con số đáng ghi nhận. Công nghiệp chế biến, may công nghiệp, sản xuất đá ốp lát… ổn định và ngày càng phát triển, tổng giá trị đạt 106 tỷ đồng…

Chăm sóc vườn cao su ở Nam Đông 

 

Nhờ chương trình xây dựng NTM mà phong trào hiến đất, hoa màu để xây dựng các công trình đã được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, có hơn 70 hộ đóng góp quỹ đất với diện tích hơn 9.980 m2 và 1.589 ngày công lao động hưởng ứng phong trào giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường và làm đường bê-tông ngõ xóm. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, không những góp công, người dân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để nâng cấp các nhà văn hóa thôn…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trong một lần đến thăm và làm việc tại Nam Đông 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM vẫn còn những bất cập, hạn chế. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông Phạm Tấn Son, ở một số xã có phát động nhưng không duy trì thường xuyên, chưa tạo được khí thế sôi nổi trong nhân dân. Công tác tuyên truyền chủ trương xây dựng NTM và vận động nhân dân tham gia có làm nhưng chưa mạnh, chưa cụ thể. Thu nhập bình quân của người dân tăng chậm, nhiều xã thu nhập bình quân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều hộ còn thiếu đất sản xuất, việc đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất còn hạn chế. Việc huy động sức dân tham gia xây dựng NTM còn hạn chế do một số bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế, chưa có đủ nguồn lực để đầu tư nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt. Một bộ phận nhân dân còn bị ảnh hưởng của tập quán cũ, không tích lũy để tái đầu tư sản xuất, thiếu đầu tư thâm canh trong sản xuất; tình trạng tự ti, bằng lòng với hiện tại, thiếu tinh thần vươn lên còn xảy ra. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế so với nhu cầu, nhiều công trình thiết yếu như các tuyến đường đến trung tâm sản xuất, hệ thống nước sạch, thiết chế văn hóa xã chậm được đầu tư. Đóng góp của các doanh nghiệp vào chương trình xây dựng NTM gặp khó khăn, chủ yếu tập trung cung ứng các dịch vụ điện, nước, thu mua mủ cao-su, keo nguyên liệu; các lĩnh vực sản xuất khác đầu tư không đáng kể.

 

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thị Thu Hương cho biết: “Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Từ nay đến năm 2020, phấn đấu có từ tám đến chín xã đạt chuẩn NTM, xây dựng huyện Nam Đông trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đó, giá trị sản xuất hằng năm tăng từ 10 đến 12%; thu nhập bình quân đầu người từ 35 đến 40 triệu đồng; tổng nguồn vốn đầu tư từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng 12-15%/năm; độ che phủ rừng 82%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ 65 đến 70%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 10 đến 11%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2020 là 1,3%; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.

 

Để hoàn thành tốt các mục tiêu nêu trên, từ nay đến năm 2020, huyện Nam Đông sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường đến các vùng sản xuất tập trung ở xã Thượng Lộ. Nhiều cây cầu vượt suối, nối các địa phương, đường đến khu A Kỳ, xã Thượng Long… sẽ được đầu tư xây dựng. Tập trung rà soát diện tích cao-su kém hiệu quả do đổ gãy, đến thời kỳ tái canh, diện tích keo có tiềm năng sản xuất nông nghiệp, chuyển sang trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 300-400 ha. Cây cam được xác định là chủ lực trong việc mở rộng diện tích, gắn với quy trình theo tiêu chuẩn VietGap xây dựng thương hiệu cam Nam Đông và đầu ra sản phẩm. Các giống chuối đặc sản được nhân rộng diện tích 100 ha, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn bò sind, mở rộng diện tích trồng cỏ để chăn nuôi thâm canh, nhốt chuồng, gia trại, trang trại… Những kế hoạch đầu tư ưu tiên của Nam Đông đều hướng tới góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Phòng Nông nghiệp và PTNT Nam Đông