Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

2732
+ aa -

Hoạt động các địa phương

Cập nhật lúc : 15:16 09/03/2016
Quảng Điền- Giải pháp cho nợ đọng xây dựng nông thôn mới
Nhà văn hoá xã Quảng Thành
Nhiều địa phương ở huyện Quảng Điền hiện nay vẫn còn tồn đọng nợ xây dựng các công trình nông thôn mới (NTM). Giải quyết nợ đọng là vấn đề đang được các địa phương quan tâm

Bình quân mỗi xã nợ từ 4-6 tỷ đồng


Sau năm năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở huyện Quảng Điền có nhiều chuyển biển tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn được đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện. Nhiều tuyến đường liên thôn, xã, đường làng ngõ xóm trước đây bằng đất đỏ, cấp phối, giờ đã thay bằng bê tông khang trang, rộng rãi, thuận lợi cho cả phương tiện ô tô lưu thông hai chiều. Hệ thống nhà văn hóa xã, thôn đều được xây dựng kiên cố, khang trang… Kết cấu hạ tầng được đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

 

Trường học ở Quảng Phú đạt tiêu chí nông thôn mới 

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các công trình xây dựng cơ bản, nhiều địa phương đến nay vẫn còn đọng nợ. Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, nợ NTM chủ yếu là nguồn vốn đối ứng xây dựng tuyến đường giao thông An-Thành-Thanh Phước; nhà văn hóa trung tâm và trụ sở làm việc. Nguồn vốn xây dựng các công trình được Nhà nước đầu tư 70%, còn lại là vốn đối ứng của địa phương 30%. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn hẹp nên buộc phải nợ các nhà thầu, hoặc nợ Nhà nước. Tổng nợ xây dựng NTM tại xã Quảng Thành khoảng 4,5 tỷ đồng.

 

Tương tự, mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng xã Quảng Phú cũng không tránh khỏi nợ đọng xây dựng NTM, tổng nợ của địa phương khoảng 4,5 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn vốn đối ứng xây dựng các công trình cơ bản, như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng…

 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền - ông Hoàng Vọng chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM, các xã bãi ngang như Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước… đọng nợ rất ít, vì vốn đối ứng xây dựng các công trình chỉ 15%. Các xã còn lại tổng nợ khoảng 25-26 tỷ đồng, bình quân mỗi xã từ 4 tỷ đến 6 tỷ đồng. Trong xây dựng các công trình, các địa phương này phải gánh chịu hai khoản, là vốn đối ứng 30% và kinh phí giải phóng, nâng cấp mặt bằng tương đương từ 10-30% trong tổng mức đầu tư các công trình.

 

Ưu tiên xử  lý nợ đọng


Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú - Lê Quang Dựng cho rằng, nợ thì bắt buộc phải trả, để lâu sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương. Vậy nên, ngay sau khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM, chính quyền địa phương tìm mọi biện pháp hoàn trả nợ cho các nhà thầu. Nguồn trả nợ chính của địa phương chủ yếu là quy hoạch, bán đấu giá quyền sử dụng đất. Từ tổng nợ khoảng 4,5 tỷ đồng, đến nay địa phương chỉ còn nợ khoảng 1 tỷ đồng.

 

Cũng như Quảng Phú, xã Quảng Thành nhờ vào việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả nợ cho các nhà thầu. Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, Đào Trọng Thành cho hay, đến nay địa phương chỉ còn nợ NTM khoảng 1,5 tỷ đồng, chủ yếu nợ tạm ứng ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, lại phải đầu tư xây dựng nhiều công trình, phát triển kinh - tế xã hội nên khả năng của địa phương hiện nay khó có thể hoàn trả số nợ này.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Nguyễn Đình Đức cho rằng, gỡ nợ đọng NTM tại các địa phương không có con đường nào khác ngoài việc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác quy hoạch, bán đấu giá quyền sử dụng đất đã hoàn trả từ 50-70% tổng nợ. Số còn lại, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ. Giải pháp trước mắt của huyện trong năm 2016, là ưu tiên các nguồn có được, kể cả ngân sách Nhà nước để tập trung xử lý nợ đọng cho các địa phương.

 

Đề nghị giảm mức vốn đối ứng


Không để nợ đọng tiếp tục diễn ra, từ năm 2016, huyện đổi mới phương thức xây dựng các công trình, Nhà nước bố trí vốn bao nhiêu sẽ xây dựng bấy nhiêu, phần đối ứng của địa phương và Nhân dân lúc nào huy động đủ mới tiến hành xây dựng hoàn thiện. Quan điểm của ông Nguyễn Đình Đức, nguồn vốn đối ứng của các địa phương 30% như lâu nay là quá cao so với khả năng của các địa phương. Tạo điều kiện cho các địa phương thuận lợi trong xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, tránh nợ đọng, Nhà nước cần giảm mức vốn đối ứng còn khoảng 10-15%. Một số công trình lớn cần nguồn vốn đầu tư của Nhà nước 100%, những công trình nhỏ thì các địa phương sẽ huy động vật liệu, sức dân để xây dựng.

 

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM- Vũ Văn Ninh chỉ đạo, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đảm bảo mức hỗ trợ 100%, hoặc ít nhất 95% từ vốn ngân sách Nhà nước cho các công trình tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, không thực hiện xây dựng khi không có nguồn kinh phí đảm bảo, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Các tỉnh cần rà soát, chỉ đạo xử lý và có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm đối với nợ đọng xây dựng cơ bản...

Theo Ông Tăng Minh Lộc, Chánh Văn phòng Điều phối TW, mức nợ đọng XDCB đối với 1 xã dưới 3 tỷ đồng là có thể chấp nhận được 

HML (tổng hợp)