Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ bảy, 20/04/2024

761
+ aa -

Kinh nghiệm NTM ở các tỉnh

Cập nhật lúc : 16:23 11/01/2021
Biến đường rác thải thành đường hoa nông thôn mới
Chứng kiến những con đường liên thôn ngập trong rác thải, ngày càng bốc mùi nồng nặc, anh Nguyễn Văn Hiệu (người thôn Đồng Mả, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã lặng lẽ đi dọn sạch rồi phát cỏ, trồng hoa. Bà con làng xóm từ chỗ bàn tán, dị nghị nay đã quay sang chung sức với Hiệu cùng làm cho những đường rác nở hoa.

Từ "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng"

Những ngày này về xã Tuy Lai, đi trên các con đường liên thôn trổ hoa, khoe sắc rực rỡ, ít ai có thể hình dung trước kia nơi đây từng ngập trong rác. Do không kịp thu gom, rác ùn ứ trong khu dân cư rồi tràn ra khắp đường làng, ngõ xóm, chất cao thành đống bốc mùi hôi thối. Không chỉ vậy, khi hết chỗ vứt rác sinh hoạt, người dân lại cho vào bao tải vứt xuống các kênh dẫn nước gây ô nhiễm môi trường.

Chứng kiến cảnh đó, anh Nguyễn Văn Hiệu, một thanh niên sống tại thôn Đồng Mả đã tự mang cuốc, xẻng ra gạt gọn rác, ủi hết nước bẩn giúp cho mặt đường giao thông khô thoáng. Thấy Hiệu trẻ tuổi nhưng cứ xông vào chỗ rác bẩn dọn dẹp, bà con làng xóm cũng dị nghị, bàn tán. Người thì bảo “rỗi việc, ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, người thì nghi kỵ xem Hiệu làm thế có mục đích gì không? Bỏ qua mọi lời bàn tán với tâm niệm “nếu mình không bắt đầu thì chẳng ai bắt đầu cả”, Hiệu tự sắm thêm đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang, cuốc, xẻng để dọn rác, phát cỏ rồi trồng hoa trên những con đường.

“Bà con trong xã vứt rác bừa bãi là do mới chỉ có thói quen giữ cho “sạch nhà” chứ chưa hình dung được việc làm “bẩn ngõ” sẽ quay trở lại ảnh hưởng tiêu cực tới chính cuộc sống của mình. Khi rác thải bắt đầu chất đống, tôi tiên phong đi dọn sạch để bà con thấy rồi mới vận động bà con theo mình cùng chung tay bảo vệ môi trường”, Hiệu tâm sự.

Khi thấy đường ở thôn Đồng Mả bắt đầu sạch hơn, hoa khoe sắc đẹp hơn thì bà con các thôn khác trong xã Tuy Lai cũng bắt đầu thay đổi nhận thức, hết lòng góp công, góp sức, thậm chí góp của cùng Hiệu nhân rộng những đường hoa.

Đến phong trào "Ruộng lúa, đường hoa"

Không quản nắng, mưa, người dân xã Tuy Lai đang tích cực cải tạo, biến những con đường ngập rác trước kia thành những con đường hoa rực rỡ với hoa ngũ sắc, mười giờ, dừa cạn, chiều tím... đua nhau bung nở.

Có mặt tại thôn Đồng Mả, chúng tôi đã được chứng kiến một buổi lao động hăng say như thế! Hà Nội hôm đó trở rét, mưa mỗi lúc một nặng hạt nhưng gần 100 người dân xã Tuy Lai không ai ngơi nghỉ mà vẫn đội áo mưa tiếp tục làm. Nhỏ tuổi nhất đoàn, bé Nghiêm Văn Khiêm (học sinh lớp 3B, Trường tiểu học Tuy Lai A) hăng hái dậy từ sớm theo mẹ đi dọn rác, trồng hoa. “Hôm qua con thấy các bác thông báo lịch dọn rác nên xin mẹ cùng tham gia. Nhiều thôn đã có đường đẹp, con mong thôn mình cũng có đường hoa sạch đẹp như vậy”, bé Khiêm hồn nhiên chia sẻ.

Vừa xới đất, dọn cỏ, bác Bùi Xuân Vượng, người dân thôn Đồng Mả cho biết: Hôm nay dù trời mưa nặng hạt nhưng nhà nào cũng có ít nhất một, hai người tham gia. Thời tiết thế này nếu là đi làm thuê chắc chắn chúng tôi sẽ nghỉ nhưng việc chung của cả xóm ai cũng háo hức, hưởng ứng nhiệt tình. Từ ngày có đường đẹp, bà con cũng không nỡ vứt rác lên hoa nữa.

Phong trào trồng hoa ở thôn Đồng Mả đã lan tỏa tới các thôn trong xã, qua đó làm giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Nhà nước và nhân dân cùng làm, bà Đinh Thị Thuyên, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đồng Mả cho biết: Từ việc làm thiết thực của anh Hiệu, UBND xã Tuy Lai đã cử lực lượng tham gia cùng nhân dân vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí thuê máy xúc và ô-tô chở phế thải về nơi tập trung. Đặc biệt, Đảng ủy xã giao Hội Phụ nữ xã tích cực nhân giống hoa để người dân trồng khắp các tuyến đường. Hằng tuần, Hội Phụ nữ các cơ sở đã vận động hội viên cũng như cộng đồng cùng nhau chăm sóc đường hoa, dù bận rộn hơn nhưng ai nấy đều vui vẻ, hào hứng tham gia.

Từ 500 m đường hoa ban đầu, đến nay mô hình này đã thu hút được người dân 10/14 thôn tại xã Tuy Lai cùng tham gia trồng được hơn 6.000 m đường hoa trong xã. Không chỉ đẹp, đường hoa còn tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường.

Hình thành cộng đồng tự quản, người dân xã Tuy Lai giờ đây chăm sóc đường hoa như bảo vệ chính ngôi nhà của mình. Góp nhau cùng mua máy bơm, hằng tuần mọi người phân công nhau tự giác đi cắt tỉa, nhổ cỏ, tưới cây. Với vai trò là người khởi xướng, Hiệu đang xây dựng đề án “Ruộng lúa, đường hoa” trình lên xã với hy vọng trong tương lai gần, sẽ làm sạch đẹp các tuyến đường liên thôn cho người dân có chỗ vui chơi, đi thể dục.

Người dân Mỹ Đức tích cực tham gia dọn rác, trồng hoa.

Khi người dân đồng tình

Nhìn nhận vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn xuất phát từ hai điều, Hiệu cho biết: Bên cạnh việc ý thức của người dân còn chưa cao thì nguyên nhân sâu xa nằm ở bất cập trong việc xử lý rác thải. Nếu biết cách phân loại, xử lý từ đầu thì rác thải sinh hoạt sẽ không còn độc hại nữa. Vì vậy, trong lúc chờ đợi chính quyền đưa ra những giải pháp hiệu quả, bền vững hơn, anh đang chủ động tuyên truyền bà con tự phân loại để giảm rác sinh hoạt. Tại các cuộc gặp gỡ thôn, xóm, đặc biệt là thông qua truyền thông xã hội, internet, anh đã cung cấp những hình ảnh và phương pháp phân loại rác hữu cơ, vô cơ tới người dân.

“Tôi vận động bà con những gì phân hủy được như thực phẩm bỏ đi (rau, củ, quả, thịt, cá, trứng), phế thải nông nghiệp, bã mía, vỏ lạc… hãy ủ phân hoặc chôn ở vườn nhà. Chỉ những rác thải vô cơ không phân hủy mới mang đi cho các đơn vị chuyên thu gom xử lý. Qua một khảo sát nhỏ do tôi thực hiện trên mạng xã hội cho thấy, sau khi phân loại, lượng rác tại các hộ đã giảm từ 60 - 90%. Nhiều người dân trong xã tuy không tham gia trả lời khảo sát nhưng cũng cho biết, sau khi thực hiện phân loại, họ thấy lượng rác mang đi vứt đã giảm đáng kể”, anh Hiệu cho biết.

Bên cạnh phong trào biến đường rác thành đường hoa, người dân xã Tuy Lai đang cùng nhau nhân rộng thực hiện việc phân loại rác thải để giảm áp lực cho hệ thống xử lý còn nhiều bất cập. Từ điểm sáng trên, chính quyền xã Tuy Lai cũng vào cuộc tích cực tuyên truyền về việc phân loại rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

“Hiện tại, thông qua các hội nhóm ở thôn, xã, tôi rất mong muốn sẽ xây dựng được một đội ngũ những người trẻ cùng chung sức lan tỏa đi ý thức bảo vệ môi trường. Điều khiến tôi xúc động nhất là trong các buổi lao động công ích, rất đông các cháu mới học cấp I, cấp II nhưng cũng xin bố mẹ cùng theo ra dọn sạch đường làng, ngõ xóm. Trong tương lai, chính các cháu sẽ là hạt nhân xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn cho thôn, xóm. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục duy trì công việc này”, Hiệu chia sẻ.

Câu chuyện những con đường rác nở ra hoa tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức đang tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. Nó cho thấy khi người dân đồng tình, thông suốt thì việc khó khăn, bức xúc gì cũng dễ dàng được giải quyết. Xây dựng nông thôn mới, sạch đẹp hơn có lẽ phải bắt nguồn từ chính những điều gốc rễ đó!

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NTM (TH)