Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 16/04/2024

720
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 10:34 14/04/2020
Hương Phong chạy nước rút để về đích đúng hẹn
Xã Hương Phong (TX. Hương Trà) đang gấp rút hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là tiêu chí 02 -Giao thông và tiêu chí 17- Môi trường để kịp về đích nông thôn mới trong năm 2020

Hòan thiện tiêu chí giao thông 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong Phan Hữu Vinh, xác định giao thông là khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời đạt tiêu chí NTM, ngoài tranh thủ nguồn hỗ trợ cấp trên từ chương trình bê tông hoá giao thông nông thôn, địa phương huy động sự tham gia của người dân và toàn xã hội tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, dịch chuyển cổng, tường rào để làm đường giao thông.

Đến nay, 100% giao thông xã, thôn, ngõ xóm và gần 15/16 km giao thông nội đồng được bê tông hoá với tổng kinh phí đầu tư từ các nguồn hơn 11 tỷ đồng. Tuyến đường từ cầu Thanh Phước về thôn Vân Quật Đông xuống cấp, hiện đang được đầu tư đổ bê tông với chiều dài 1,7/5km toàn tuyến.

Phó Chủ tịch UBND xã Phan Hữu Vinh nhìn nhận, dù Hương Phong đã đạt 19/19 tiêu chí và xã đang làm các thủ tục để được công nhận đạt chuẩn NTM. Một số tiêu chí đạt nhưng chưa bền vững vẫn cần được cấp trên đầu tư xây dựng. Trong đó, có 3 trục đường chính nối từ các thôn qua trung tâm xã (gồm tuyến từ cống thôn Tiền Thành nối Tỉnh lộ 8B; đường Thanh Niên và tuyến từ thôn Thuận Hoà nối Quốc lộ 49) đã xuống cấp nhưng xã chưa có kinh phí nâng cấp sửa chữa.

“Thời gian tới, cần sớm được tỉnh, thị xã quan tâm đầu tư xây dựng những tuyến đường này để góp phần phát triển hạ tầng giao thông và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương”, ông Vinh đề xuất.

Hoàn thành tiêu chí Môi trường 

Ngày chúng tôi về Hương Phong, ở ngay đầu thôn Vân Quật Đông - cửa ngõ vào xã, bãi rác tự phát khá lớn tồn tại từ năm 2006 đến nay đang được xã và thôn phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Công Vụ, Trưởng thôn Vân Quật Đông hồ hởi: “Bãi rác hình thành từ khi xây chợ Hương Phong, gây ô nhiễm môi trường và tạo hình ảnh không đẹp. Dù nhiều lần ra quân dọn dẹp nhưng đâu lại vào đó. Nay xã chủ động bỏ kinh phí, thôn hỗ trợ nhân lực thuê xe múc, xe tải đến vận chuyển rác, trả lại mặt bằng sạch, thuận tiện cho giao thông đi lại của người dân”. Phó Chủ tịch UBND xã Phan Hữu Vinh cho biết, đây là bãi rác cuối cùng của xã được “xoá sổ”.

Bắt tay vào xây dựng NTM, Hương Phong xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó. “Để chinh phục, địa phương đi từ việc xử lý thôn nằm ở vùng thấp trũng nhất xã là Vân Quật Thượng”, ông Vinh cho hay. Do trước và sau thôn đều có đường giao thông nhưng không có hệ thống thoát nước nên nhiều năm liền, nơi đây trở thành điểm nóng ô nhiễm môi trường của xã.

Cách đây 3 năm, thị xã đầu tư hệ thống thoát nước cho Vân Quật Thượng, người dân cũng chung tay dọn dẹp, xử lý ô nhiễm nên cơ bản tình trạng ngập úng của thôn được giải quyết.

Vấn nạn bèo lục bình dày đặc trong các dòng kênh cũng làm “đau đầu” chính quyền xã. Để giải quyết, Hương Phong kêu gọi sự chung tay của các HTX và người dân. 3 HTX (Thanh Phước, Vân An, Thuận Hoà) đã trích kinh phí xử lý bèo tây trong các tuyến kênh mương nội đồng, trả lại dòng kênh thông thoáng. Hàng năm, thông qua các tổ chức, địa phương cũng huy động trên 2.000 lượt người tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân xã Hương Phong chia sẻ, xã thường xuyên tuyên truyền vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bioga, đệm lót sinh học… xây dựng mương thoát nước ở các trục đường chính của thôn.

Từ tháng 5/2020, việc thu gom rác thải sinh hoạt được giao cho Công ty CP Môi trường & Công trình đô thị Huế đảm nhận, đến nay, ý thức người dân cũng được nâng cao, tình trạng rác ứ đọng trong các thôn cũng được giải quyết triệt để.

Hiện, Hương Phong có gần 700 cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo quy định về môi trường. Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã kiểm tra các cơ sở về xả nước thải, chất thải rắn, khói bụi…

Như vậy, sau hơn 8 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), xã vùng đầm phá ở hạ nguồn sông Hương và sông Bồ có những đổi thay mạnh mẽ. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng đô thị hoá. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần so với năm 2012, cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, môi trường sống cũng từng bước được cải tạo. Hương Phòng đang trên đường cán đích đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020./.

CTV