Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 28/03/2024

3779
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 15:17 05/05/2020
Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới ở Phong Điền
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tiềm năng thế mạnh nhằm tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân là hướng chủ đạo trong thời gian tới trong xây dựng nông thôn mới ỏ huyện Phong Điền

Xã Phong Thu khi bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm đạt 10/19 tiêu chí. Xác định lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây ăn quả có múi, Phong Thu phát triển cây thanh trà trở thành cây chủ lực để tập trung đầu tư về khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại quy mô sản xuất, đăng ký thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị để tạo sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập, đồng thời mở rộng thêm diện tích sản xuất. Toàn xã đã phát triển 135 ha cây thanh trà với 430 hộ tham gia sản xuất. Ước tính mỗi năm cây thanh trà cho thu nhập khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Phong Thu thông tin: Từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã triển khai kế hoạch phát triển các vùng trồng thanh trà tập trung, cải tạo diện tích đất phù hợp để mở rộng thêm diện tích, hỗ trợ vốn cho nông dân. Đồng thời phát triển thương hiệu thành sản phẩm OCOP chủ lực của xã; qua đó để Phong Thu hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM.

Cây lúa hữu cơ chất lượng cao được đưa vào sản xuất từ vài năm nay tại HTX NN An Lỗ (Phong Hiền). Cây lúa hữu cơ hàng năm cho sản lượng thấp hơn so với sản xuất lúa truyền thống, nhưng cho giá trị kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích, gấp khoảng 1,5 lần. Việc phát triển cây lúa hữu cơ luôn đảm bảo thị trường đầu ra ổn định; thổ nhưỡng được cải thiện rất nhiều do thực hiện quy trình bón phân hữu cơ cải tạo đất. Đồng thời, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nông dân do không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX NN An Lỗ cho biết: Trước những nhu cầu tất yếu của thị trường về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi đang đẩy mạnh hướng tới phát triển cây lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của các đơn vị, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, vận động các thành viên không ngừng nâng cao trình độ canh tác, kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng các cải tiến, áp dụng kỹ thuật; tuân thủ các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ...

“Việc thực hiện các chính sách thông qua các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tăng trưởng nông nghiệp. Cụ thể, tỷ trọng các ngành nông nghiệp tăng mỗi năm từ 4 - 6%, lâm nghiệp từ 5 -13,3%, thủy sản từ 29 - 34%”- ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin.

Phong Điền triển khai thí điểm nhiều mô hình, dự án (DA) khuyến nông giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu nhằm nâng cao thu nhập. Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã triển khai 25 mô hình, DA với tổng kinh phí hỗ trợ của ngân sách tỉnh và huyện là 13 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 70 tỷ đồng.

“Thông qua các mô hình, DA, huyện Phong Điền chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người dân để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nông dân ứng dụng và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho hay.

Huyện thực hiện tái cơ cấu gắn với dồn điền đổi thửa, áp dụng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi hình thức sang sản xuất hàng hoá, trồng cây tập trung; hỗ trợ các hộ liên kết trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ để nâng cao sản lượng, thực hiện quy trình giám sát an toàn dịch bệnh nâng cao giá trị sản phẩm; tạo điều kiện cho người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2016, xã Điền Lộc tập trung xây dựng xã NTM nâng cao và hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết: Ngoài huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, Điền Lộc xác định phải tiếp tục triển khai các mô hình phát triển kinh tế như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ các giống lúa chất lượng, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp với nuôi cá... để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người.

Theo Văn phòng Điều phối  nông thôn mới huyện, đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền có 6 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ có 11/15 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; giảm  tỷ lệ hộ nghèo còn 3,82%.. để làm tiền đề cho xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./.

CTV