Nông thôn mới Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 19/04/2024

876
+ aa -

Mô hình điển hình

Cập nhật lúc : 15:53 03/06/2021
Trồng sen: Hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Phong Điền
Mô hình trồng sen của ông Trần Việt tại xã Phong Hiền
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua huyện Phong Điền đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích trong đó việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen đã đưa lại hiệu quả thiết thực.

Cây sen hiện đang là một sản phẩm được huyện Phong Điền quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng, chuyển đổi mô hình các diện tích sản xuất kém chất lượng sang trồng sen cho thu nhập cao. Mô hình trồng sen được thử nghiệm tại xã Phong Hiền nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của mô hình, từ đó có cơ sở để nhân rộng, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Giống sen sử dụng trong mô hình là giống sen hồng cao sản, chuyên cho hạt. Giống có đặc điểm bông to, có màu hồng đặc trưng, lá to, màu xanh đậm hơn các giống sen thường gặp khác, hạt tròn, đài to và nhiều hạt.

Trước đây, tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền sen chỉ được trồng thành các khóm nhỏ trong các ao, hồ, thì hiện nay nhiều hộ dân trong xã đã đưa cây sen vào trồng trên các khu đồng trũng, đất lúa kém hiệu quả. Diện tích này trước kia thường trồng lúa nhưng năng suất đạt thấp, bấp bênh. Nhằm giúp bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, chính quyền địa phương đã thực hiện đề án chuyển đổi cây lúa bằng giống sen mới, có năng suất và giá trị cao về kinh tế trên diện tích đất trồng kém hiệu quả này.

Qua thực tế thực hiện mô hình cho thấy, giống sen hồng cao sản sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết, khí hậu và chân đất trũng. Sen trồng có tỷ lệ sống cao (96%), thời gian sinh trưởng phát triển từ khi trồng đến khi kết thúc thu hoạch từ 3 đến 4 tháng, quá trình ra hoa kéo dài.Thành công của mô hình đã phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, hạn chế việc bỏ hoang ruộng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đa dạng hóa các loại sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

 Ông Trần Việt – hộ trồng sen theo mô hình ở xã Phong Hiền, cho biết: “Nhận thấy sen rất phù hợp với đồng đất thấp trũng ở địa phương, đây là cây trồng dễ chăm sóc, không chịu tác động nhiều từ điều kiện bất lợi của môi trường, nên chúng tôi đã đưa cây sen vào trồng thử. Được sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, qua thực hiện mô hình cho thấy, việc trồng sen trên đất ruộng thấp trũng của địa phương được xem là mô hình phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương chúng tôi.”

“Cây sen có ưu điểm dễ trồng, dễ thích nghi với vùng đất trũng thấp, úng nước, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, năng suất ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ. Thời gian thu hoạch ngắn, chỉ sau từ 3 đến 4 tháng là cho thu hoạch, hiệu quả mang lại cao so với các cây trồng khác”. Ông Việt, chia sẽ.

Việc xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất kém hiệu quả sang trồng cây sen là hướng đi đầy triển vọng. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền, cho biết việc chuyển đổi trồng sen là mô hình phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Ðáng chú ý, mô hình trồng sen ngoài việc nâng cao thu nhập cho nông dân còn góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Thực hiện đề án chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hiện nay UBND huyện đang khuyến khích chuyển những vùng sâu trũng trồng lúa, đặc biệt là các vùng ao hồ và biền chuyển sang trồng sen nuôi cá. UBND huyện đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho người dân phát triển trồng sen và nhân rộng mô hình nhằm đem lại hiêu quả kinh tế cho nông dân.