In trang

Khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 10:36 14/04/2020

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa, mất giá".

Đây cũng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được tỉnh Thừa Thiên Huế cụ thể hóa qua việc khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trong thời gian qua. Đáng chú ý, từ năm 2013, tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Trong thời gian qua, Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các HTX trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện  “Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa ” với quy mô 65 ha, ở 4 hợp tác xã nông nghiệp thuộc 3 huyện/thị xã  Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang bao gồm các hoạt động như hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ về giống, vật tư, xây dựng mối liên kết giữa các đối tác trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm .

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp; hợp tác xã và người nông dân đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản vẫn còn nhiều hạn chế như tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung. Mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo; sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều.

Tuy nhiên, trong liên kết cánh đồng lớn cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục như: Diện tích liên kết sản xuất còn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế; việc liên kết chủ yếu trên lĩnh vực trồng lúa, còn các lĩnh vực thế mạnh khác như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được "đề cập" đến, chế tài xử lý các tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không được quy định cụ thể nên không xử lý được các tranh chấp hợp đồng dẫn đến rủi ro cho cả doanh nghiệp và nông dân; doanh nghiệp, hợp tác xã còn lúng túng trong việc lập dự án liên kết, xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh; vai trò cầu nối của hợp tác xã còn mờ nhạt trong thực hiện liên kết,…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với những nội dung cụ thể như: Hỗ trợ tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao,… cùng những nội dung có liên quan.

Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Việc có thêm những chính sách mới với quy định cụ thể nhằm khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, đồng thời cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững; khắc phục hạn chế của nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà hiện nay là tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mất cân đối cung - cầu cũng như ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, vừa tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.

CTV (sở Nông nghiệp và PTNT )