In trang

Tín dụng cho tam nông, hướng đi đúng
Cập nhật lúc : 11:09 02/06/2014

Nguồn vốn tín dụng không chỉ tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) nhiều hơn, mà khu vực này còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thông qua lãi suất cho vay.

Năm 2013 và những tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung giảm mạnh, nhưng tín dụng cho khu vực “tam nông” vẫn tăng. Tính đến cuối tháng 4/2014, dư nợ cho vay của cả nền kinh tế toàn địa bàn tăng khoảng 10% thì tỷ trọng dư nợ cho vay tam nông tăng từ 20-25%. Trong cơ cấu cho vay tam nông, Ngân hàng Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 60%), tiếp đến là Ngân hàng Chính sách xã hội (gần 27%) trong dư nợ cho vay tam nông toàn tỉnh.

Tam nông - một trong những lĩnh vực được nhà nước quan tâm

Ngoài chính sách tài khóa đang tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông), khu vực này còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Vài năm gần đây, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng đối với khu vực tam nông luôn thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường khoảng 2 - 3%. Quan tâm tới tam nông, ngoài việc tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tăng dư nợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, Nhà nước đang triển khai chương trình nông thôn mới với nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, toàn địa bàn có hơn 143.500 khách hàng còn dư nợ (trong đó khoảng 665 khách hàng là doanh nghiệp), với tổng dư nợ cho vay gần 4.800 tỷ đồng. Cụ thể, cho vay trồng trọt: 260 tỷ đồng; chăn nuôi gia súc gia cầm: 380 tỷ đồng; chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: 230 tỷ đồng; phát triển ngành nghề tại nông thôn: 340 tỷ đồng; chế biến, bảo quản nông lâm thủy hải sản: 390 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn: 12 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, Thừa Thiên Huế phấn đấu có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Căn cứ vào hiện trạng của xã so với bộ tiêu chí quốc gia để lựa chọn theo các tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên cho các xã thuộc hai huyện điểm Nam Đông và Quảng Điền, các ngân hàng trên địa bàn tập trung giải ngân cho gần 125.000 hộ dân và doanh nghiệp ở 8 huyện, thị xã, với số tiền hơn 2.570 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng dư nợ.

Nhiều năm trở lại đây, năm nào ngành ngân hàng cũng triển khai cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua tạm trữ lương thực, qua đó gián tiếp giúp đỡ người nông dân tiêu thụ được sản phẩm với giá cả hợp lý. Song song với việc hỗ trợ đối với người trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, Nhà nước triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân trực tiếp ra khơi đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Mặc dù Nhà nước chú trọng đầu tư cho khu vực tam nông nhưng nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu. Việc đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực này còn thấp (chiếm khoảng hơn 30% tổng dư nợ). Cho vay nông nghiệp nông thôn chưa đồng đều giữa các tổ chức tín dụng, định hướng phát triển tín dụng tam nông ở một số tổ chức tín dụng thuộc khu vực thành phố, thị xã chưa phù hợp.
Một số ngân hàng mở phòng giao dịch chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn và hầu như chưa cho vay đối với tam nông. Vì vậy, chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Tỷ lệ hộ được cấp giấy sử dụng đất còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Sự phối hợp giữa ngân hàng, các cấp hội, tổ vay vốn với các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa chặt chẽ, thường xuyên nên việc sử dụng vốn vay đạt hiệu quả chưa cao.
Các phường trực thuộc hai thị xã Hương Thủy, Hương Trà được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND phường. Trên thực tế, tỷ lệ hộ trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại các phường này chiếm trên 80% nhưng số hộ này không thuộc khu vực nông thôn và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 41 về cho vay tam nông nên không được vay tối đa 50 triệu đồng mà không phải thế chấp.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, cần xây dựng khung cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới, huy động nội lực trong dân tập trung xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu bổ sung các thôn vùng sâu, vùng xa của thị trấn miền núi vào đối tượng xây dựng nông thôn mới.
Việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ; phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại ở nông thôn; phát triển mạng lưới tín dụng, mở rộng cho vay hộ cận nghèo cùng những ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân có dự án, chương trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân... cũng là những yếu tố cần tính đến để “tam nông” phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Bạch Quang