In trang

XỬ LÝ RÁC THẢI NÔNG THÔN: Phải có sự chung tay
Cập nhật lúc : 09:16 20/06/2014

Không chỉ người dân thành thị loay hoay giải bài toán rác thải sinh hoạt mà ở vùng nông thôn, rác thải đã trở thành vấn nạn...

Thiếu kinh phí thu gom, vận chuyển

Dạo quanh một vòng về các khu vực nông thôn, trên những con đường liên xã, thôn, thực trạng người dân vứt rác bừa bãi, không cho vào thùng chứa vẫn diễn ra. Rác thải sinh hoạt được người dân đóng thành bì, thành các túi nilon, vứt ra các khoảng đất trống. Khó đếm được có bao nhiêu bãi rác như thế trên các con đường làng, nhất là trên các con đường dẫn ra cánh đồng làng với các túi nilon, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng… Bà Nguyễn Thị Chút, người dân xã Phú Lương (Phú Vang) cho biết: “Từ trước đến nay, bà con quen tập kết rác bên đường làng, đến khi đầy, trời nắng thì đốt, mưa thì đào hố chôn, chứ mang đến điểm thu gom thì chưa “quen” lắm. Hơn nữa, ở xã đâu có bãi rác mà bỏ”.
Rác thải sinh hoạt ngổn ngang trên Tỉnh lộ 10

Khi về thực tế tại các xã, điều chúng tôi ghi nhận là việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn vướng nhiều bất cập, trong đó vấn đề nổi cộm là thiếu kinh phí thu gom, vận chuyển. Các bể chứa rác nằm xa khu dân cư nên gây khó khăn cho công tác thu gom. Tại xã Phú Xuân (Phú Vang), năm 2012, địa phương được trang bị 40 thùng đựng rác, 5 xe đẩy, 2 xuồng to đựng rác. Sau khi đưa các trang, thiết bị trên về các thôn để thu gom rác, do thiếu kinh phí, xã mới chỉ thành lập được 2 tổ thu gom rác ở thôn Dương Đại, Quảng Xuyên và thôn định cư Lê Bình.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: “Tại các buổi họp thôn, người dân đã thống nhất về mức thu phí và lệ phí để thu gom rác thải (vượt hơn quy định của UBND tỉnh), nhưng số tiền thu được vẫn không đủ trả cho tổ thu gom rác. Theo đó, tổ thu gom rác tại thôn Dương Đại có 2 người, nhưng thu toàn thôn chỉ là 1.400.000 đồng/tháng; trong khi đó lương tháng cho 2 người chỉ là 2 triệu đồng/tháng, xã phải bù thêm 600.000 đồng. Do không có kinh phí nên mặc dù có 8 thôn, xã mới chỉ triển khai thu gom rác thải sinh hoạt ở 3 thôn, 5 thôn còn lại vẫn chưa thể triển khai. Theo thống kê, toàn huyện Phú Vang có 13/20 xã, thị trấn có điểm thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Hầu hết các xã sau khi thành lập đội thu gom, hợp đồng vận chuyển rác với Công ty TNHH NN Môi trường và Công trình Đô thị Huế đều không có đủ kinh phí chi trả.
 
Cần sự chung tay

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (nay là Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh) đã triển khai Dự án vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn ở trên 40 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Sau khi triển khai dự án, những xã có điều kiện kinh tế, quan tâm đúng mức, thành lập được các tổ thu gom thì thực hiện việc thu gom rác thải tốt. Còn lại khoảng 30% xã được dự án đầu tư chưa làm tốt do địa phương không quan tâm đúng mức và không có kinh phí để triển khai.

Ông Phan Văn Thanh, Chi cục Phó Chi cục phát triển nông thôn tỉnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT tỉnh cho biết, từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Nước sạch và VSMT (nay là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh) đã triển khai dự án Vệ sinh môi trường (VSMT) ở hơn 40 xã, phường, thị trấn (kinh phí khoảng dưới 200 triệu đồng/xã, phường, thị trấn) bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Các thiết bị hỗ trợ từ dự án như: thùng chứa rác, xe thu gom rác và xây dựng bãi trung chuyển rác, bể chứa rác đã giúp cho các xã vùng dự án xây dựng được mô hình thu gom và xử lý rác thải hiệu quả hơn. Ngoài 1 số phường, xã, thị trấn làm tốt vẫn còn 1 số xã chưa làm tốt như: Phú Xuân, Phú Thuận (Phú Vang), Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền), Phong Thu (Phong Điền), Lộc Sơn (Phú Lộc)... do thiếu kinh phí trong thu gom, xử lý rác thải. Hơn nữa, dự án triển khai chỉ là mô hình điểm, kinh phí còn hạn chế (năm 2012 và 2014 không có kinh phí), do đó không thể một sớm một chiều có thể thay đổi nhận thức của người dân và cải thiện triệt để VSMT các xã vùng nông thôn.
Ở các địa phương rác thải hàng năm không ngừng tăng về cả số lượng lẫn tính đa dạng phức tạp, gây áp lực đối với môi trường và công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì vậy, ngoài việc xây dựng các điểm tập kết rác thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các khu xử lý rác thải... việc triển khai các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường cần được giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên... Điều này làm cho đường làng, ngõ xóm tại các vùng nông thôn ngày càng phong quang, sạch đẹp; đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải. Các xã đã và đang được đầu tư dự án VSMT cần sớm thành lập các tổ thu gom rác thải. Cần chú trọng công tác thu gom rác thải tại các chợ nông thôn theo mô hình hợp tác xã, ban quản lý hoặc giao khoán cho các tổ chức, cá nhân, vì nơi đây có lượng rác thải lớn, nguy cơ phát sinh ô nhiễm và dịch bệnh cao. Ngoài ra, các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư kinh phí để duy trì công tác VSMT tại các xã đã được hưởng lợi từ dự án và nhân rộng mô hình này, góp phần giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn.
Bài và ảnh: Hải Huế