In trang

Diện mạo nông thôn mới vùng Ngũ Điền
Cập nhật lúc : 11:05 22/01/2020

Đến nay, Vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) có 3/5 xã (Phong Hải, Điền Lộc và Điền Hải) được công nhận xã NTM. Xã Điền Hòa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Còn 02 xã: Điền Hương đạt 15/19 tiêu chí, Điền Môn đạt 17/19 tiêu chí và đây là 1 trong 2 xã được huyện Phong Điền giao nhiệm vụ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2020.

Trải qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2020), đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển. Thu nhập tăng, hộ nghèo giảm, nhà cửa khang trang, nhiều đường bê tông sạch đẹp ra đời... đã tạo nên diện mạo tươi mới cho các vùng nông thôn.

Vùng Ngũ Điền (gồm Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Điền Hải) lâu nay vẫn được xem là vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa của huyện Phong Điền với những con đường đất cát trải dài, chật hẹp khiến giao thông bị chia cắt, việc đi lại cực kỳ khó khăn, đời sống người dân vì thế cũng khốn khó. Thế nhưng chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, cuộc sống ở nơi này đổi thay nhanh chóng nhờ chương trình nông thôn mới (NTM).

Dạo quanh Ngũ Điền những ngày này, đập vào mắt PV là những ngôi nhà kiên cố, khang trang, những con đường liên xã đến đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch và phẳng lỳ, không còn đường đất, cát như xưa. Những trục đường chính rộng rãi, ô tô đi được hai chiều đến tận trung tâm xã...

Trong mắt người dân nơi đây, sự đổi thay đó phải gọi là “thần kỳ”. “Hơn 20 năm trước, tôi phải đi bộ nhiều cây số để băng qua nhiều độn cát mới đến được trường học. Ngày đó cực khổ ghê gớm. Thấy một nhà cao tầng cũng hiếm, không như bây chừ ai ai cũng khá giả, đường sá đẹp mù. Đi đâu người ta cũng luôn miệng nói 3 từ nông thôn mới rồi...”, anh Trần Hùng (xã Điền Hương) chia sẻ.

Các xã vùng Ngũ Điền đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh như hệ thống đất cát ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản. Diện tích rau màu theo hướng VietGAP, rau hữu cơ đã có chỗ đứng trên thị trường ở Điền Lộc. Ném Điền Môn, mướp đắng ở Điền Hải; khai thác thủy hải sản trên biển, vùng phá Tam Giang của ngư dân Phong Hải, Điền Hòa... được chọn làm khâu đột phá trong việc phát triển kinh tế và giải bài toán thu nhập cho người dân.

Ông Đặng Hữu Danh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Môn cho biết: Chúng tôi hiện đang xây dựng nhãn hiệu “Ném Điền Môn” và đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống tưới tiêu để hình thành vùng chuyên canh trồng ném tập trung. Đây cũng là cây chủ lực để xã xây dựng sản phẩm OCOP.

Với lợi thế về thổ nhưỡng, cây ném Điền Môn đang không ngừng gia tăng về diện tích, hiện đã đạt con số 40ha với hơn 100 hộ tham gia trồng, mỗi ha cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Xã Điền Lộc hàng năm đưa vào gieo trồng hơn 50 ha cây rau màu trên cát như xà lách, tần ô, ngò, cải..., mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 300 hộ dân. Hiện, Điền Lộc đang phát triển mô hình trồng các loại rau theo quy trình chuẩn VietGAP.

Trong quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát huyện Phong Điền với diện tích gần 900 ha tập trung ở các xã vùng Ngũ Điền, hàng năm  đưa vào nuôi khoảng 300 ha… Hiện nay, Phong Điền đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi, điện lưới, hệ thống ao xử lý nước thải… cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và huyện đang hướng tới nuôi tôm bền vững.

Được xem là trung tâm của vùng Ngũ Điền, cuối năm 2016, Điền Lộc được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Từ nguồn vốn của chương trình, Điền Lộc vận dụng đầu tư, lồng ghép huy động sức dân chung tay đóng góp cho nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề để địa phương nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết: Sau khi hoàn thành xây dựng NTM,  tập trung nâng chuẩn, đến nay 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 45 triệu đồng/người/năm, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn chưa đến 4,5%...

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin: Với lợi thế có khoảng 600 ha mặt nước đầm phá và 16 km bờ biển thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, ngoài ra, vùng Ngũ Điền đang có lợi thế về một số cây trồng chủ lực như rau, ném. Ngũ Điền sẽ là vùng động lực để phát triển kinh tế-xã hội...

CTV