In trang

Nông thôn mới ở Phú Vang- Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Cập nhật lúc : 16:38 13/08/2019

Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của Thừa Thiên Huế bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm khá thấp, cơ sửo hạ tầng nông thôn còn nghèo, kinh tế kém phát triển, đời sống người dân còn khó khăn,nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, sau 9 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, nông thôn huyện Phú Vang đã thực sự đổi mới

Triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Phú Vang đã có sự đổi thay rõ nét, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ công như y tế, giáo dục…, môi trường ngày càng được cải thiện. Đặc biệt đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, Hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá, các hình thức tổ chức sản xuất như: hợp tác xã, câu lạc bộ,... từng bước được củng cố và phát triển.

Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 08/10/2010 về xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2010-2020. UBND huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết của Huyện ủy bằng Kế hoạch số 735/KH-UBND ngày 04/11/2010 về triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020

Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã trên địa bàn đã tập trung triển khai, lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy trình. Trước hết, toàn huyện đã sớm kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và tổ chuyên viên giúp việc, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể gắn kiểm tra, hướng dẫn giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng  mắc. Đối với cấp xã, Đảng ủy các xã có nghị quyết chuyên đề để thực hiện, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền trên nhiều hình thức như hệ thống truyền thanh, hội nghị, họp dân, panô, áp phích. Các ngành đoàn thể đã lồng ghép với nhiều họat động để truyền tải nội dung xây dựng nông thôn mới tới người dân. Thông qua đó người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới là đem lại lợi ích cho ai và để làm gì. Từ đó mọi người đều có ý thức tham gia thực hiện. 

Phú Thượng xã đầu tiên của huyện Phú Vang về đích NTM năm 2014, qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới diện mạo nông thôn của xã đã nhanh đổi mới, khởi sắc. Kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều công trình hạ tầng KT-XH thiết yếu ở địa phương được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 40 triệu đồng. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt. Xã đang phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020 và xã nông thôn mới kiểu mẫu năm tiếp theo.

Với xã Phú Hồ, bộ mặt địa phương cũng đã hoàn toàn thay đổi so với trước đây, đó là kết quả của sự chung sức, chung lòng toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã. Những đồng ruộng sản xuất nhỏ lẻ giờ đã thay bằng cánh đồng mẫu lớn có năng suất chất lượng lúa cao, những con đường thôn,  ngõ xóm xưa kia vốn lầy lội, chật hẹp nay được đổ bê tông rộng rãi với hệ thống điện chiếu sang vào ban đêm. Có được sự thay đổi này chính là nhờ kết quả của chương trình xây dựng NTM.

Vốn là huyện thuần nông, trong những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, các địa phương trong huyện đã đặc biệt quan tâm đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí, giảm sức lao động và sản xuất gọn đúng thời vụ, chính vì vậy sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Toàn huyện cơ bản đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi, đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Bên cạnh đó các hợp tác xã được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã, đơn cử là HTX nông nghiệp Phú Lương 1 với sản phẩm sản xuất chủ lực là các loại nấm như nấm rơm, nấm linh chi, nấm sò… góp phần tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa kết hợpvới đẩy mạnh phát triển nông thôn, tạo chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. 

Với sự quyết tâm, đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai, công tác tổ chức, thực hiện phong trào thi đua đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thờivới nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến tháng 8 năm 2019, toàn huyện đạt bình quân 16,7 tiêu chí/xã, tăng hơn 10 tiêu chí/ xã so với năm 2011, tăng 2,3 tiêu chí/ xã so với năm 2015. Đến nay toàn huyện có 7/18 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM là xã Phú Thựơng, Phú Mậu, Phú Mỹ, Phú An, Phú Thuận, Phú Hải và Phú Hồ. Phấn đấu kết thúc năm 2019 có thêm từ 2 đến 3 xã đạt chuẩn NTM là: xã Phú Dương, Phú Thanh và Vinh Thanh.

Từ năm 2011 - 2019 bằng cách huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau đã tiến hành đầu tư thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện với tổng kinh phí: 2.423,378 tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, toàn huyện đã huy động hơn 2.423 tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân các địa phương đã đóng góp 1.286,044 tỷ đồng bao gồm hàng ngàn ngày công lao động, hiến hàng ngàn m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các công trình văn hóa, thể thao...

Đến nay toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp được hơn 874 km các loại đường giao thông nông thôn/948km, đạt hơn 92%. Hệ thống giao thông,thủy lợi của các xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Nhữngnăm qua, tuy kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền,phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo, quan tâm vấn đề giải quyết việc làm cho lao động. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn dưới 5%  (theo chuẩn nông thôn mới). Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của huyện là trên 50 triệu đồng/năm. đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường được nâng lên; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân phấn đấu hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, huyện Phú Vang sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đảm bảo đồng bộ liên xã, kết nối toàn huyện. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tổ chức thí điểm các mô hình có thế mạnh và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tăng cường thu hút các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.

Nhìn lại chặng đường 10 năm đã qua, một khoảng thời gian chưa dài, nhưng đã ghi dấu những nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của Phú Vang; những kết quả đạt được từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có thể là chưa cao nhưng đã tạo bước khởi sắc - là điều kiện thuận lợi làm tiền đề, tạo động lực trong xây dựng NTM. Chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của người dân, thời gian tới, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Phú Vang sẽ đạt nhiều kết quả tích cực.

CTV