In trang

Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản
Cập nhật lúc : 15:55 06/09/2018

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo "Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản – Những bài học từ thực tiễn”

Dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung; Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản Tsutomu Takebe. T

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Hội thảo với mục đích thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó rút ra bài học đối với Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
 
Chủ tịch cho biết: Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và Hội NDVN, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, luôn đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thử thách rất lớn. Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội NDVN có vai trò quan trọng là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng NTM, có trách nhiệm tổ chức vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, so với yêu cầu, đòi hỏi của phát triển nông nghiệp, nông thôn và nhu cầu của nông dân hiện nay, các cấp Hội NDVN còn nhiều bất cập cả về tổ chức bộ máy, cán bộ cũng như nội dung và phương thức hoạt động. Trình độ cán bộ Hội các cấp còn nhiều hạn chế. Do đó việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để cán bộ Hội đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đào tạo nông dân có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực là đòi hỏi cấp thiết đối với Hội NDVN hiện nay.
 
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, do vậy, những vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay cũng là những vấn đề Nhật Bản đã giải quyết thành công trước đây và hiện nay. Chính vì vậy, việc học tập những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là rất thiết thực trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và Nhật Bản đang quan tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.
 
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội NDVN tổ chức hội thảo đúng thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang tổng kết10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW  về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
 
Theo Phó Thủ tướng,  nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều nét tương đồng, cùng thuộc nền văn minh lúa nước với loại cây canh tác chủ lực là lúa gạo. Sự thành công của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ là những bài học thiết thực, kinh nghiệm quý báu; là cơ hội để cán bộ các bộ, ngành, địa phương tham dự hội thảo  cập nhật những thông tin, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hữu ích để có thể vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Việt Nam; nâng cao vai trò của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như định hướng các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
 
Phó Thủ tướng tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ. Nhật Bản đang hướng đến triển khai triển khai thực hiện Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn với kỳ vọng mục tiêu xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực.
 
 Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng trình bày báo cáo “Hội NDVN giữ vai trò trung tâm và nòng cốt trong vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam” với 3 nội dung chính: Vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và tổ chức Hội NDVN; Hội NDVN tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội NDVN trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng nông nghiệp Nhật Bản Takebe Arata cho biết: Trên thế giới nhu cầu về nông nghiệp ngày càng mở rộng. Nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, các hộ nông dân không chỉ nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mà còn nâng cao kinh doanh,sản xuất thực phẩm có sự tin cậy, đảm bảo GAP, do vậy cần áp dụng IT và trí tuệ nhân tạo vàonông nghiệp để tạo ra nền nông nghiệp phát triển bền vững.
 
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda chia sẻ: Để tăng cường hơn nữa liên kết hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, Nhật Bản đã cùng Việt Nam xúc tiến chương trình Đối thoại Hợp tác nông nghiệp Nhật Việt cấp Bộ trưởng bắt đầu từnăm 2014 với nhiều hoạt động hợp tác cụ thể như triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức JICA…
 
Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ đóng góp cho tương lai của Việt Nam. Theo quan điểm đào tạo nguồn nhân lực, hội thảo hôm nay là sự kiện vô cùng quan trọng, với các đại biểu tham dự là cán bộ chủ chốt trong hoạt động phát triển nông thôn ở tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam. Đại sứ kỳ vọng các đại biểu sẽ cùng chia sẻ tri thức của các chuyên gia của cả hai nước Nhật Bản - Việt Nam, và ứng dụng những tri thức này trong phát triển nông nghiệp và nông thôn ở các địa phương của Việt Nam.
 
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Trong hoàn cảnh rất khó khăn như tài nguyên hạn hẹp, vốn đầu tư ít, khoa học công nghệ thiếu, cơ sở hạ tầng yếu, thời tiết, thiên tai phức tạp, thị trường biến động nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu to lớn như sản xuất tăng trưởng, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu thành công, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, đóng góp giảm nghèo và cải thiện nông thôn rõ rệt.
 
 Với quy mô nhỏ, tổ chức yếu với 16 triệu hộ nông dân, 7.000 doanh nghiệp, 35.000 trang trại, 11.600 HTX, TS. Sơn đề xuất rút lao động nông nghiệp ra và đổi mới tổ chức sản xuất, tiểu nông cần chuyển sang lao động phi nông nghiệp, phi chính thức hoặc trở thành nông dân sản xuất lớn hay tham gia vào kinh tế hợp tác. Đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện gồm: Đổi mới quản lý khoa học kỹ thuật (R&D, quản lý vật tư, nông sản); hình thành thị trường tài nguyên (tích tụ đất đai quản lý sử dụng nước, thị trường vốn nông thôn, thị trường lao động chính thức); thông tin thị trường, xúc tiến thương mại (thông tin thị trường, liên kết thị trường); trọng tâm là cải cách thể chế, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (HTX, hiệp hội, hội đồng ngành hàng, vùng chuyên canh).
 
Các giải pháp này nhằm hướng đến: Nông dân tự chủ (nâng cao vị thế và thu nhập, hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng vai trò chủ thể trong phát triển; có cơ hội rộng mở cho tương lai), nông thôn phát triển (gắn kết và hòa nhịp với đô thị và toàn nền kinh tế; môi trường sạch có cảnh quan và cân bằng sinh thái; quan hệ cộng đồng, giàu bản sắc, văn minh), nông nghiệp toàn diện (sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo lợi thế; liên kết chuỗi giá trị chặt chẽ theo chiều dọc và chiều ngang; tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá trị, bền vững).
  
Tại hội thảo, ông Takebe Tsutomu đã chia sẻ các chính sách phát triển nông nghiệp thời còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản.Ông cũng đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam (một phiên bản mới của học thuyết Takbe áp dụng vào tam nông của Việt Nam- nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và các định hướng hợp tác Nhật Việt.

Theo ông, Việt Nam với những bước tăng trưởng rõ rệt chắc chắn sẽ trải qua quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nông nghiệp như Nhật Bản. Nông nghiệp Nhật Bản mất nhiều thời gian và sức lực để đi đến ngày hôm nay, có những giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi được nhưng mặt khác cũng cần lưu ý có những điểm không nên học hỏi. Học thuyết Takbe gồm 4 điểm: Để phát triển nông nghiệp, cần đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành liên quan, xác lập cơ chế sản xuất, những kỹ thuật cơ bản và nền tảng sản xuất nông nghiệp cần được ưu tiên tối đa; quan điểm của người tiêu dùng có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy nông nghiệp, đặc biệt quan điểm an toàn lương thực là không thể thiếu; để thúc đẩy nông nghiệp thì việc duy trì, phát triển cộng đồng nông thôn là vô cùng quan trọng, cần xây dựng nền tảng xã hội tương đồng không thua kém thành thị (Platform = nền tảng sinh hoạt, các cơ sở cộng đồng, hệ thống y tế, phúc lợi xã hội, cơ sở giáo dục, thông tin văn hóa…); việc xây dựng cơ chế hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực gánh vác trách nhiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn là không thể thiếu.
 
Về hợp tác nông nghiệp Nhật – Việt trong thời gian tới, ông Takebe Tsutomu đề xuất 4 điểm: Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững thông qua vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản, trong đó chuyển từ phương châm tập trung phát triển công nghiệp sang phương châm phát triển đồng đều Nông-lâm-ngư nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, đồng thời Nhà nước và nhân dân phối hợp thực hiện ngành công nghiệp thứ 6 (Food value chain); thực phẩm – nông thôn và xây dựng làng xã nông nghiệp; hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam, Nhà nước và nhân dân phối hợp thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nhật – Việt (kỹ thuật know-how, vốn, đào tạo nhân lực); tay nắm tay, kết nối mạng lưới con người và kỹ thuật với Nhật Bản và châu Á.
 
Theo đó, Nhật Bản sẽ đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, tăng cường chứcnăng marketing và xây dựng mô hình kinh doanh của các điển hình thành công về kỹ thuật và know-how của các công ty tư nhân, đầu tư cho Việt Nam. Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, tưới tiêu, hồ chứa…cần quan tâm đến tạo việc làm của lao động nông thôn ở trong nông nghiệp. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu đang gia tăng rất mẫn cảmvới an toàn thực phẩm, Nhà nước và doanh nghiệp cần đưa nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ 6. Theo đó, hiện đại hóa các khu nông nghiệp, chế biến thực phẩm (nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo ra việc làm), hiện đại hóa hệ thống lưu thông…

Trong duy trì, phát triển cộng đồng, xã hội phát triển theo chiều rộng trên cơ sở lấy cộng đồng nông thôn làm hạt nhân, Việt Nam nên tránh việc chỉ tập trung vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện gia tăng việc làm và phát triển sản xuất ở mỗi địa phương. Hình thành đô thị với quy mô dân số 200 – 300 nghìn người ở các địa phương (local hub theo mô hình tự lập cộng sinh).
 
Về hỗ trợ nguồn nhân lực, ông đề xuất và mong muốn cơ chế tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật Bản học tập công nghệ và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trở về phổ biến tại Việt Nam.Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hai bên sẽ cùng phối hợp đào tạo tại Đại học Nhật – Việt, Đại học Cần Thơ tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo ra thế hệ trẻ của Việt Nam trở thành người lãnh đạo trong tương lai với chuyên ngành về nông nghiệp, thủy sản.
 
Người nông dân không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa, Hội NDVN cần tạo ra một nền tảng mới giúp phát triển cho cả cộng đồng. Trong đó, nên đưa vào tầm nhìn không chỉ là nông dân mà toàn bộ người dân của toàn bộ cộng đồng,tiến tới không chỉ là Hiệp hội nông nghiệp, mà là Hiệp hội Murazukuri (xây dựng nền tảng xã hội tương đồng để biến vòng tuần hoàn “con người – đồ vật – thông tin” trở thành khả thi).
 
Ngoài ra, Việt Nam cần tránh nhược điểm của Nhật Bản là “rỗng hóa nông thôn”, cần giữ lại được nhiều thanh niên trẻ ở lại khu vực nông thôn. Ông hy vọng Việt Nam sẽ phát huy tối đa tiềm lực, xây dựng 3 trụ cột “nông nghiệp – thực phẩm – nông thôn”, phát triển cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, tạo ra những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Một số hình ảnh:

Hội Nông dân (CTV)