In trang

Phú Thọ: Giải bài toán tăng thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 14:28 21/08/2017

Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là cốt lõi mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Do đó, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Thế nhưng không ít địa phương vẫn đang loay hoay tìm "đòn bẩy" giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để đạt chuẩn tiêu chí số 10.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân nên thời gian qua, các địa phương đã chủ động lồng ghép, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình: Điện, giao thông, thủy lợi… phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM cùng với việc triển khai các chương trình sản xuất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Từ sự đồng lòng người dân tích cực tham gia, thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Ông Nguyễn Hữu Đệ ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy phấn khởi: “Nhờ có chương trình NTM, đường giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng, đi lại thuận lợi, cấy lúa và nuôi thủy sản không bị ngập như trước, năng suất lúa tăng lên đạt gần 250kg/sào, năng suất thủy sản cũng tăng vì thế thu nhập của người dân chúng tôi cũng tăng lên, cuộc sống được cải thiện đáng kể”. Đến thời điểm hiện tại, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 11,2 tiêu chí/xã; có 40 xã đạt chuẩn NTM và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Có thể nói đây là thành quả của sự nỗ lực rất lớn từ công tác chỉ đạo điều hành cấp tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân - chủ thể trong xây dựng NTM.

Tuy nhiên, thời gian qua,  nhiều địa phương đang khá lúng túng để thực hiện đạt tiêu chí thu nhập cho người dân. Theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực từ 1-12-2016 chỉ tiêu chung về tiêu chí số 10 là 45 triệu đồng/người/năm, vùng trung du miền núi phía Bắc là 36 triệu đồng, cao hơn nhiều so với tiêu chí cũ. Bởi vậy tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 103/247 xã đạt tiêu chí về thu nhập (giảm 34 xã so với năm 2016). Là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp cao, có nhiều lợi thế về cây trồng, vật nuôi nhưng rủi ro cũng rất lớn. Đặc biệt là những nguyên nhân do sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề "được mùa - mất giá" gây ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ.


Tại "đất chè" Thanh Ba - địa phương có diện tích chè lớn nhất nhì trong tỉnh với diện tích đạt 1.906,8ha. Chè luôn là một trong những cây kinh tế mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh ở các xã trên địa bàn huyện. Từ cây chè, người dân có việc làm, có thu nhập, cuộc sống hàng ngày được cải thiện, dần nâng cao. Tuy nhiên, vòng luẩn quẩn xoay quanh câu chuyện “được mùa - mất giá”, thừa nguyên liệu - thiếu chất lượng, số lượng lớn - tiền lãi thấp... vẫn xảy ra dẫn tới cuộc sống của người trồng chè và chất lượng chè Thanh Ba trở nên bấp bênh.

Ông Hà Anh Tuấn- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đặc biệt chú trọng đến việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.  Tuy nhiên, tiêu chí thu nhập vẫn là tiêu chí khó trong xây dựng NTM bởi người dân sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp trong khi giá trị sản xuất nông nghiệp chưa  cao do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định... Trước thực trạng như vậy,  HĐND huyện đã có Nghị quyết Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với cơ chế hỗ trợ các chương trình nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020 nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Không có cây mũi nhọn, người dân xã Vô Tranh (huyện Hạ Hòa) gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp dù là xã thuần nông. Địa hình chia cắt bởi ngòi Lao, không có cây đặc sản, ruộng bậc thang manh mún không đủ diện tích xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đất lâm nghiệp phần lớn của các công ty, lâm trường, những phần đất bằng phẳng, canh tác tốt đa phần thuộc sở hữu của trại giam Tân Lập... nên "tìm đâu" con đường nâng cao thu nhập, làm giàu cho người dân vẫn là bài toán khó mà chính quyền địa phương luôn trăn trở. Tương tự, đất ven sông xã Liên Phương (huyện Hạ Hòa) không có nghề phụ, cũng ko có các công ty, doanh nghiệp... nên thu nhập của người dân toàn xã phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp với hơn 100ha gieo cấy, trong đó trên 70ha trồng lúa. Bởi vậy thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt khoảng gần 15 triệu đồng/người/năm.


images130924105-1503275286

Địa phương có loại cây đặc sản, trở thành "thương hiệu" như xã Mỹ Lung (huyện Yên Lập) cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thương hiệu hàng hóa, nâng cao thu nhập người dân. Lúa nếp Gà Gáy nức tiếng gần xa về độ dẻo thơm và mang đậm nét văn hóa xứ Mường là đặc sản của vùng đất Mỹ Lung nhưng đây là giống lúa dài ngày, năng suất không cao, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chưa thích nghi với sản xuất hàng hóa nên diện tích gieo trồng còn manh mún, không tập trung, sản lượng lúa đặc sản phân tán... nên lượng lúa thóc bán ra ngoài rất ít, chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi cũng đồng nghĩa với thu nhập bình quân đầu người chưa thể tăng lên... Kinh tế hội nhập, nông sản hàng hóa đối mặt với nhiều thách thức về an toàn thực phẩm, sản xuất chất lượng cao, sản xuất số lượng lớn, cạnh tranh và giá rẻ. Những thách thức trên đã tác động rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao giá trị, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Chưa kể đến các ngành, nghề phụ nông thôn do thiếu ổn định đầu ra, chủ yếu "lấy công làm lãi" nên cũng khó mang lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình… 

Một số vấn đề kể trên chỉ ra rằng, thu nhập của đại đa số người dân chưa cao trong khi “chuẩn” tiếp tục nâng lên nên khó đạt tiêu chí. Mặt khác, thu nhập thấp kéo theo tỷ lệ việc làm, nhà ở dân cư, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, hộ nghèo... sẽ khó đạt. Mục tiêu hết năm 2017, toàn tỉnh có 100 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM trong đó có 49 xã đạt chuẩn; các xã còn lại tăng 1-2 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2020 có 57 xã đạt chuẩn NTM... Mục tiêu đã cụ thể, nếu không tiếp tục có những giải pháp khả thi để phát triển kinh tế, nâng mức thu nhập của người dân cập chuẩn hoặc cao hơn thì e rằng chính tiêu chí thu nhập sẽ trở thành “áp lực” nặng nề của nhiều địa phương trên hành trình phấn đấu đạt chuẩn NTM. 

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Theo đó, để nâng cao thu nhập cho người nông dân đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, trong thời gian tới các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân; xây dựng các chương trình, đề án, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng rộng, tính ứng dụng cao, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: Chè, cây ăn quả,... mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa áp dụng các tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn”.

VPĐP NÔNG THÔN MỚI (TH)