In trang

Phong Điền- Mô hình máy cuốn rơm có hiệu quả cao
Cập nhật lúc : 09:53 11/08/2021

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân xã Điền Hương ( huyện Phong Điền) đã thực hiện mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường

Rơm rạ là nguồn nguyên liệu quý trong sản xuất nông nghiệp như làm thức ăn nuôi gia súc, sản xuất nấm và che phủ cây trồng…. Tuy nhiên trong thời gian qua, do nhu cầu sử dụng ít nên hầu hết bà con nông dân đốt rơm trên đồng ngay sau khi gặt. Việc đốt rơm trên đồng đã gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng và lãng phí nguồn nguyên liệu quý giá để tái sản xuất nông nghiệp.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế, ông Trần An Nhiên ở xã Điền Hương- huyện Phong Điền đã thực hiện mô hình Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Từ máy cuốn rơm MRB0850B, ông Nhiên đã gắn vào máy gặt cũ của gia đình, cải tiến một số bộ phận và lắp thêm bộ phận chứa rơm nên thuận tiện trong quá trình vận hành và nâng cao được năng suất thu gom. Máy bắt đầu vận hành thu gom rơm trong vụ Hè Thu năm 2021.

Ông Nhiên phấn khởi cho biết, kết thúc vụ Hè Thu đầu tiên đã cuốn được 7.400 cuộn, trong đó cuốn thuê cho bà con nông dân trong vùng 2.000 cuộn để chăn nuôi trâu bò và che phủ trồng ném, cuốn để bán 5.400 cuộn. Hiện nay đã bán được gần 4.000 cuộn cho một số tỉnh như Nghệ An, Hải Dương…Số rơm còn dự trữ 1.400 cuộn để chờ xuất trong mùa đông sẽ cho giá cao. Với giá cuốn thuê 10.000 đồng/cuộn, giá bán cho các tỉnh từ 11.000- 13.000 đồng/cuộn tùy theo chất lượng rơm và dự kiến giá xuất trong mùa đông 20.000đ/cuộn, vụ Hè Thu đầu tiên cho thu nhập gần 60 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí vật tư, nhiên liệu và khấu hao máy. Đây là mức thu nhập rất cao đối với một nông dân lần đầu tiên thực hiện mô hình.

Trước khi tham gia mô hình, điều trăn trở đối với ông Nhiên là nhu cầu sử dụng rơm của người dân ở địa phương không nhiều, mặc dù biết các tỉnh khác có nhu cầu mua rơm nhưng thiếu thông tin về thị trường. Với sự gợi ý của Trung tâm Khuyến nông trong việc quảng bá tiêu thụ rơm cuộn trên mạng xã hội, ông Nhiên lập Facebook và tham gia vào Nhóm Chăn nuôi trâu bò, Nhóm buôn bán rơm cuộn… để giao lưu và chào giá. Giá bán rơm đa dạng, tùy theo chất lượng rơm, những loại rơm khô xỉn màu do ảnh hưởng của mưa sẽ bán với giá rẻ để che phủ cây trồng, rơm khô chất lượng tốt bán giá cao hơn để làm thức ăn cho gia súc. Nhờ quảng bá trên mạng xã hội mà đã mở rộng được thị trường tiêu thụ ra các tỉnh. Mô hình máy cuốn rơm đã đem lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Mô hình đã giúp cho nông dân có thêm nghề mới thu nhập cao, bên cạnh đó còn giúp cho người dân địa phương chủ động nguồn rơm dự trữ để chăn nuôi gia súc và che phủ cây trồng, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa, tăng thêm thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường./.

Phòng Nông nghiệp và PTNT Phong Điền