In trang

A Lưới - Mô hình trại heo trên núi
Cập nhật lúc : 15:29 09/03/2016

Thay vì nuôi heo theo lối truyền thống, ông Văn Đình Quế (48 tuổi, xã Sơn Thuỷ, huyện A Lưới) đã mạnh dạn thay đổi và tạo dựng mô hình nuôi heo duy nhất áp dụng kỹ thuật mới đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vốn xuất thân con nhà nông, từng là cán bộ thú y ở địa phương, chăn nuôi với ông Văn Đình Quế vốn không xa lạ. Nhưng theo ông, chăn nuôi kiểu nhỏ lẻ mấy mô hình truyền thống thì không thể khá lên được.

 

Năm 2011, ông Quế may mắn được các đại lý thức ăn cho đi thực tế và tập huấn ở một số địa phương. Khi dừng chân tại tỉnh Quảng Bình, nhận thấy mô hình nuôi heo bằng công nghệ mới áp dụng các kỹ thuật từ chuồng trại đến thức ăn, rất hiệu quả. Khi quay về A Lưới, ông quyết định đầu tư cho chăn nuôi, bởi nhu cầu heo giống, heo thịt ở vùng cao này rất lớn.

ông Văn Đình Quế và mô hình nuôi heo áp dụng công nghệ mới

 

Ông Quế kể: “Nhiều lần đi xuống dưới xuôi, tôi thấy rất nhiều người thành công với các mô hình nuôi heo kiểu mới và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vùng cao A Lưới chưa có ai làm. Nhu cầu heo giống, heo thịt rất lớn nhưng bà con chỉ mới nuôi vài ba con, trong khi nguồn thức ăn trong vùng lại khá phong phú. Thế là tôi quyết tâm tìm đến những trại heo lớn dưới xuôi để tham quan, nghiên cứu thật kỹ rồi bắt tay vào làm”.
Với nguồn vốn ban đầu hơn 50 triệu đồng, đầu năm 2013 ông Quế xây dựng 10 chuồng nuôi heo nái thay các chuồng nuôi cũ bằng xi măng. Chuồng nuôi heo của ông Quế là một hệ thống kết cấu bằng sắt ống có kích thước từ 6 - 8m2, bên dưới lót một lớp nhựa (giá 500 nghìn/m2), khoảng cách từ lớp nhựa này đến mặt đất từ 25 - 30cm, kinh phí mỗi chuồng từ 4 - 5 triệu đồng. Dưới lớp nhựa có đường cống thoát phân và nước, vì thế chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát. Ngoài áp dụng tiêu chuẩn chuồng nuôi mới, ông Quế còn đầu tư hệ thống máng chứa thức ăn theo mô hình hiện đại, giúp tránh thức ăn lãng phí, gây ô nhiễm.
Ông Quế cho biết: “Mô hình chuồng này chiếm diện tích nhỏ, dễ kiểm tra lên giống, dễ quản lý khi phối giống và kiểm tra đậu thai. Chuồng trại đảm bảo vệ sinh, hạn chế được dịch bệnh. Đặc biệt, với heo con có rất nhiều ưu điểm như ít bị tiêu chảy trong giai đoạn theo mẹ, giảm tỷ lệ hao hụt heo con bị mẹ đè và bệnh tật. Heo con khỏe mạnh, cai sữa sớm”.
Năm đầu thuận lợi, số tiền lãi ông tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng thêm chuồng trại. Không chỉ nuôi heo nái, ông còn nuôi heo thịt từ nguồn giống sẵn có. Hiện nay, trại heo của ông Quế đã có trên trăm con, bao gồm heo nái và heo thịt. Mỗi năm, trại cung ứng khoảng 300 heo giống cho bà con vùng cao. Đây cũng là nơi cung cấp giống duy nhất của huyện A Lưới. Năm vừa qua, ông thu lãi gần 150 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông Quế cho biết đang nghiên cứu mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học để mở rộng quy mô nuôi heo thịt cho trang trại của mình.
Ông Lê Anh Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cho biết: “Với nhiều vùng, mô hình nuôi heo này không lạ nhưng với miền núi A Lưới lại là mô hình đầu tiên và mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Không chỉ phát triển kinh tế bản thân, ông còn được bà con đồng bào Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu nơi đây tin tưởng trong phòng chữa bệnh, phối giống cho heo"
“Ông Văn Đình Quế là một hội viên có nhiều mạnh dạn, sáng tạo trong các mô hình chăn nuôi nông nghiệp tại địa phương. Mấy chục năm trong nghề, bằng sự nhiệt thành, gặt hái nhiều hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, ông Quế đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Nông dân các cấp.”- ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới, nhận xét. 

 

Văn phòng Điều phối A Lưới