In trang

KỸ SƯ CHÂN ĐẤT TẠI VÙNG QUÊ VEN PHÁ TAM GIANG
Cập nhật lúc : 08:29 31/08/2015

Mặc dù chưa học hết tiểu học, nhưng người đàn ông này lại là chủ nhân của hàng trăm máy nông ngư nghiệp có nhiều tính năng ưu việt. Hàng nghìn nông dân trong cả nước đã tín nhiệm đặt mua máy do ông sáng chế, ông là Trần Quang Phụ ở thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Phụ sinh năm 1949 trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất ở xã Quảng An. Cả nhà phải chạy ăn từng bữa, nhưng bố mẹ ông vẫn quyết tâm nuôi ông ăn học. Chăm học, lại thông minh nên ông học rất giỏi. Thế nhưng, khi ông mới học đến lớp 5 thì bố ông qua đời do bị một trận ốm nhưng không có tiền lo thuốc thang. Cùng thời điểm này, mẹ ông cũng ngã bệnh vì lao lực quá sức. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông đành bỏ học, tìm cho mình một nghề kiếm sống. Bao năm chứng kiến sự vất vả của người nông dân quê nhà khi vật lộn với ruộng đồng bằng sức người, ông quyết định học nghề cơ khí để vừa có thể làm giàu cho bản thân, vừa giúp ích được người nông dân. Ông một mình khăn gói lên thành phố Huế học nghề. Vốn thông minh nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã trở thành một thợ giỏi có biệt tài sáng chế. Sau 2 năm học nghề, ông đã được chủ trả lương, mặc dù chủ cơ sở sản xuất muốn giữ ở lại làm nhưng nghĩ đến hình ảnh người dân quê bốn mùa khổ cực do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 1975 ông đã quyết tâm trở về quê hương mở xưởng chế tạo cơ khí. Tâm sự với chúng tôi ông Phụ cho biết: Năm 1976, Quảng An bị ngập úng nặng. Những cánh đồng lúa chìm trong biển nước, trong lúc cả 28 chiếc máy bơm của xã đều bị hỏng. Có khá nhiều kỹ sư cơ khí của tỉnh được điều về sửa máy bơm nước giúp xã thoát úng. Trước tình thế này, chính quyền xã đành phải mở hội nghị “xin hiến kế trong dân”. Sẵn có nghề cơ khí, tôi nhận sửa máy và “thầu” luôn cả 28 chiếc. Mày mò nghiên cứu, phát hiện ra lá quạt nước bị hỏng. Sau một tháng rưỡi ròng rã sửa chữa, 28 chiếc máy bơm đã hoạt động trở lại, người dân kịp gieo cấy.

 

Từ thành công ban đầu, ông càng say mê với nghề cơ khí, vừa sửa chữa máy vừa nghiên cứu các thiết bị phụ tùng, sáng chế, lắp ráp nhiều loại công cụ phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của địa phương để tăng năng suất lao động. Nguyên liệu sản xuất máy là sắt vụn ông thu mua từ những hàng đồng nát. Ban đầu, ông bắt tay vào sáng chế máy bơm nước để giúp người dân ở xã cũng như trên địa bàn huyện có máy móc đấu úng cho ruộng đồng. Ở thời điểm đó, trên thị trường có bán loại máy bơm nước của Nhật Bản sản xuất nhưng giá rất cao, trong khi đó, loại máy này đạt công suất bơm nước thấp, tốn nhiên liệu và mau hỏng. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến những nhược điểm của loại máy bơm trên, ông tiến hành sáng chế ra một loại máy bơm ưu việt hơn nhiều lần. Sau máy bơm, ông tiếp tục sáng chế hàng loạt loại máy khác như máy sục khí thủy sản, máy thổi lúa, xay xát, máy múc đất, phà đổ đất tự động... Tất cả những loại máy này đều được làm từ sắt vụn, độ bền cao, tính năng vượt trội và giá thành rẻ hơn nhiều các loại máy khác, nên được khách hàng khắp nơi tin dùng.

 

Rồi vào thời điểm khắp các địa phương ở các tỉnh miền Trung rộ lên phong trào nuôi tôm, nhìn nông dân vất vả, mất nhiều công sức trong việc đào ao, vét bùn làm sạch nguồn nước, ông nghĩ ngay ra chiếc máy hút. Nhiều người dân nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế đã thầm cám ơn ông khi chiếc máy này ra đời. Ông Đặng Phước Chục – nông dân xã Quảng An cho biết, trong các loại máy của ông Phụ sẩn xuất, cải tiến, thì máy bơm nước được ông ưa thích nhất, máy có nhiều tính năng kỹ thuật tốt, ít tốn nhiên liệu giá thành lại rẻ hơn các loại máy khác.

 

Không chỉ chế tạo ra máy mới, ông còn mày mò cải tiến một số máy móc do các nước sáng chế, nhưng còn 1 số chi tiết bất tiện. Máy xay xát của Nhật chạy ngon trớn, không hề gây phiền hà cho người điều khiển. Nhưng ông vẫn muốn nâng cấp hơn. Chỉ sau 15 ngày, ông đã cải tiến thành công bộ phận dây chuyền của máy. Hóa ra máy Nhật mỗi ngày chỉ xay được một tấn thóc, nhiên liệu hao hụt nhiều. Ông cải tiến lại, năng suất gấp đôi, lại giảm được tiêu hao năng lượng. Chưa hết, máy cày MTZ của Liên Xô (cũ) đến quê ông cứ ì ra, không chạy được do không phù hợp với đất ruộng chủ yếu là bùn lầy. Ông Phụ liền cải tiến lại bộ phận bánh xe. Vậy là máy chạy tốt trên đồng ruộng đầy bùn. Người dân ở Thừa Thiên Huế còn phong cho ông là “bác sĩ” của các loại máy. Vì hầu hết các loại máy phục vụ nông nghiệp bị hư hỏng, kể cả những chiếc tàu đánh bắt cá có từ 200 mã lực trở lên, ông đều sửa được. Thợ giỏi chỉ có một, máy hỏng thì nhiều. Thế nên giai đoạn từ 1975-1980, dân trong xã muốn nhờ ông sửa máy phải đến nhà bốc thăm lấy số. Ai may mắn được sửa máy sớm thì gieo cấy kịp thời vụ. Bây giờ dân Thừa Thiên Huế đi đánh cá ở bất cứ vùng biển nào trong nước, khi máy hỏng, đều mời ông Phụ đến sửa. Anh Lê Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Quảng An trao đổi với chúng tôi: “Tất cả các loại máy của doanh nghiệp Trần Quang Phụ ở Quảng An, lấy từ phế liệu sắt vụn để chế tạo ra. Ông sản xuất được 16 loại máy, các loại máy này đều phù hợp với điều kiện thời tiết của Việt Nam, và khu vực Miền Trung. Các Sản Phẩm máy làm ra đều được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng”.

 

Trong 40 năm qua, ông Phụ đã giúp đỡ không biết bao nhiêu người dân nghèo. Xưởng cơ khí của ông đã dạy nghề miễn phí cho nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài tỉnh, với lương hằng tháng của mỗi công nhân 3 – 5 triệu đồng. Đặc biệt, đã có rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Quảng Điền được ông tận tình giúp đỡ về vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất, nhất là những hộ nuôi trồng thủy sản. Ông Đặng Ngọc Hiếu Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng An cho biết, trong nhiều năm qua, Doanh nghiệp của ông Trần Quang phụ, ngoài phát triển doanh nghiệp, ông đã giúp đỡ nhiều nông dân về cơ khí như sửa chữa cơ khí, cho mượn vốn để sản xuất, giúp đỡ cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang như máy hút nước để xử lý ao hồ nuôi trồng thủy sản và đóng góp công sức để xây dựng nông thôn mới trong xã.

Ông Phụ bên chiếc máy khai thác than bùn

 

Năm 2003, ông Phụ được mời ra Hà Nội dự Hội nghị những người nông dân giỏi sáng tạo. Tại đây, khi thấy các loại máy của ông, ngay cả ông Hai Lúa ở Tây Ninh (người đại diện cho trí tuệ sáng tạo tuyệt vời của người dân Việt Nam khi chế tạo thành công máy bay) cũng thừa nhận không thể nào làm được các loại máy này như ông. Giờ đây, rất nhiều công trình lớn ở nhiều nơi đều đến mời ông làm việc: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, các vùng Tây Nguyên… Ngay cả các công trình trọng điểm ở Huế như: nạo vét sông Ngự Hà, sông Đông Ba ở độ sâu hơn 40m cũng phải nhờ đến ông mới hoàn thành, hoặc đóng phà ở Phá Tam Giang. Gần đây nhất, ông Phụ đã cùng Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh khai thác than bùn ở hai xã Phong Hòa, Phong Thu (Phong Điền) qua nhiều năm nay, đây là công trình mà nhiều doanh nghiệp ở trong Nam ra tiến hành khai thác nhưng đều thất bại. Anh Phan Gia Phú, phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết: “Ông Phụ là gương nông dân tài năng đã sáng tạo ra nhiều cái máy phuc vụ cho nông nghiệp và các máy công trình. Những máy mà ông làm ra có tính năng và tác dụng rất tốt và phù hợp thị trường. Đặc biệt các máy này gía thành giảm từ 30-35 % so với máy cùng loại trên thị trương”.

 

Với thành công của mình, ông Trần Quang Phụ không chỉ là niềm tự hào của bà con xã Quảng An nói riêng mà còn là niềm tự hào của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung trong việc khẳng định tài năng sáng chế của người nông dân trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Văn phòng Điều phối Quảng Điền