In trang

Thừa Thiên Huế: Nuôi thuỷ sản theo phương pháp xen ghép cho hiệu quả cao
Cập nhật lúc : 08:40 31/08/2015

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản, hơn 6.230 hộ (chiếm 85%) tổng số hộ nuôi thuỷ sản ở Thừa Thiên - Huế có lãi nhờ áp dụng phương pháp nuôi xen ghép. Bình quân các hộ có lãi từ 35 triệu đến 60 triệu đồng/ha/năm, thậm chí một số hộ đạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/ha/năm.

Nuôi trồng thủy sản xen ghép ở Thừa Thiên - Huế trở thành mô hình thích ứng và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp. Mô hình nuôi xen ghép cá đối mục với tôm, cua, cá kình, dìa và trồng thêm rong câu là mô hình mới, phù hợp với điều kiện vùng đầm phá trên địa bàn, mang lại hiệu quả cao. Mô hình này được triển khai vào cuối năm 2014 tại các xã Phú Xuân, thị trấn Phú Đa, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang); các xã Quảng An, Quảng Phước (huyện Quảng Điền) và xã Lộc An (huyện Phú Lộc) trên tổng diện tích 3 ha. Sau thời gian thả nuôi, mô hình này cho năng suất cao hơn ở các địa phương khác, bình quân 1,71 tấn/ha, thu lãi từ 55 triệu đến 60 triệu đồng/hộ.


Cá đối mục được xem là một trong những đối tượng phù hợp để nuôi xen ghép, nhờ chủ động được con giống  bằng cho đẻ nhân tạo, trong khi một số loài cá dìa, nâu, kình... phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, không chủ động nguồn giống. Cá đối mục còn có khả năng làm sạch môi trường ao hồ, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, giảm chi phí đầu tư. Thức ăn chính của loài cá này là rong tảo tự nhiên ở đầm phá, phiêu sinh vật, tỏa tàn và mùn bã hữu cơ. Đây cũng là đối tượng có tốc độ sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, khả năng thích nghi với môi trường rất tốt nên hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Từ hiệu quả bước đầu, các địa phương trong vùng đã mở rộng diện tích nuôi theo mô hình này lên 20 ha.


Tại xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), các hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi xen ghép tôm - cá dìa để tận dụng hết thức ăn trong các tầng đáy, môi trường nước sạch, thủy sản nuôi trồng ít xảy ra dịch bệnh. Tại xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) mấy năm gần đây, nuôi trồng thủy sản không còn xảy ra dịch bệnh, thua lỗ như trước nhờ mô hình nuôi xen ghép. Toàn xã hiện có 47 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản đều mang lại hiệu quả kinh tế cao; trong đó, hộ ông Nguyễn Công Tin ở thôn 3 (xã Vinh Thanh) có khoảng 4 ha mặt nước, mỗi năm nuôi ba vụ tôm - cua - cá đều cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.


Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang phát triển mạnh việc nuôi cá xen ghép bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển của tỉnh. Đây là kết quả của đề tài khoa học "Xây dựng mô hình quản lý, nuôi một số loài cá có giá trị bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển tỉnh Thừa Thiên - Huế" do Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế triển khai từ tháng 5/2015 đến nay. Có 13 hộ dân thuộc hai xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và Lộc Bình (huyện Phú Lộc) thực hiện mô hình thí điểm nuôi ghép cá hồng Mỹ, cá chim trắng và cá dìa bằng lồng Đan Mạch. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ tham gia đều có lãi cao.


Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hoàn thiện quy trình nuôi xen ghép trên vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh. Đối với những ao hồ quá sâu, không có khả năng phơi đáy và khi bơm tát có thể làm vỡ đê, giải pháp tốt nhất là dùng sáo để bắt hoặc lưới kéo bớt cá tạp rồi thả tôm sú 45 ngày tuổi, cá kình, cua với mật độ thưa. Đối với những ao hồ có diện tích từ 2 ha trở lên không có kinh phí để xử lý ao hồ nên áp dụng hình thức nuôi quảng canh cải tiến. Với các sản phẩm cá kình, cua, cá dìa, cá đối, cá nâu là những đối tượng nuôi dễ tiêu thụ nội địa, nên cần được nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương vùng ven đầm phá trong tỉnh./.


Phan Thu Hồng

(Phó Chi cục trưởng CC NTTS tỉnh Thừa Thiên Huế)