In trang

A Lưới tập trung đột phá về nông nghiệp và du lịch
Cập nhật lúc : 16:20 21/06/2021

Phấn đấu đến năm 2025, đưa A Lưới thoát nghèo bền vững và giảm khoảng cách phát triển giữa A Lưới với các địa phương trong tỉnh; xây dựng A Lưới là vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

A Lưới là vùng núi cao mang trong mình nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ nhưng kỳ vỹ. Thác A Nô là một thắng cảnh nổi tiếng nằm trên địa phận xã Hồng Kim. Cách trung tâm huyện 30 km là những cánh rừng nguyên sinh và suối nước nóng rất cuốn hút và độc đáo thuộc địa phận xã A Roàng. Đây là khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, với diện tích khoảng 3.000 ha kéo dài từ A Lưới đến tận Quảng Nam với nhiều thác cao, vực sâu, rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho những người yêu thích phiêu lưu, mạo hiểm. A Lưới còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khác như động Tiến Công, núi Ta Lơng Ai, sông Tà Rình ...  

Đặc biệt, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia (chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) đã giúp cho cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, hoàn thiện; nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tiếp cận với kỹ thuật, khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất, đầu tư. Qua đó, lối sống và phương thức sản xuất của đồng bào các dân tộc đã thay đổi; không còn sống du canh, du cư, phát, đốt, cốt, trỉa mà thay vào đó là lối sống định canh, định cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc.

Đáng chú ý là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực; hình thành nhiều vùng trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa như vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hóa, gạo đặc sản Ra dư và chăn nuôi bò...Tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khátrong đó nghề dệt Dèng của người Tà Ôi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Huyện cũng đã sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia và của Tỉnh để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị; đến nay, các thiết chế Điện-Đường-Trường-Trạm được đầu tư hoàn chỉnh và kiên cố, Thị trấn A Lưới được chỉnh trang diện mạo xứng tầm là đô thị động lực phía Tây của tỉnh nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.

Mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020-2025, được huyện A Lưới xác định là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... Đặc biệt, huyện xác định 4 "Khâu" đột phá chiến lược là "Đột phá về nội lực người dân", "Đột phá về công tác cán bộ", "Đột phá về nông nghiệp", "Đột phá về phát triển du lịch" để có bước phát triển mới trong giai đoạn 2020 - 2025 và tiếp theo. Nhất là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp (45%) - Dịch vụ (35%) - Công nghiệp (20%.); phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm theo tiêu chí mới 3%; thêm 01-02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng trên 75 %...

 

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, huyện A Lưới sẽ huy động nguồn lực cho 02 chương trình trọng điểm là Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới;  trong đó, lấy kinh tế rừng làm mũi nhọn, phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Về nông nghiệp, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển dịch vụ, ngành nghề nông thôn.

 

Ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh và  khai thác kinh tế các cửa khẩu biên giới Việt - Lào. Phát triển du lịch văn hóa truyền thống dân tộc, du lịch cộng đồng; nhất là mở rộng loại hình du lịch Homestay, Farmstay. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn, các ngành nghề truyền thống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế hộ, kinh tế vườn và kinh tế trang trại... Song song đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị để thu hút môi trường đầu tư; trọng tâm là nâng cấp, chỉnh trang đô thị A Lưới mở rộng theo hướng đồng bộ.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và chủ động phòng tránh, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và chủ quyền biên giới Quốc giaĐẩy mạnh hơn nữa công tác dân tộc và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào các dân tộc thiểu số để thoát nghèo bền vững.  

 

Đặc biệt, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia (chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) đã giúp cho cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, hoàn thiện; nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tiếp cận với kỹ thuật, khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất, đầu tư. Qua đó, lối sống và phương thức sản xuất của đồng bào các dân tộc đã thay đổi; không còn sống du canh, du cư, phát, đốt, cốt, trỉa mà thay vào đó là lối sống định canh, định cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc.

Phòng NN PTNT huyện A Lưới