In trang

Vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 08:44 11/01/2021

Cũng như các địa phương khác, ở tỉnh Thừa Thiên Huế, việc thực hiện về tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự phát triển các khu công ghiêp nông thôn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất còn nhiều hạn chế...

Hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 62 xã/97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 63,9%. Hai đơn vị cấp huyện: Thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm đạt 35,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 5,75%. Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh đều tăng đáng kể, như: Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 98,82%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 87%, nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt trên 65%; …

Về môi trường trong xây dựng NTM, đã có một số địa phương đã làm tốt tiêu chí này.  Tại huyện A Lưới, sáng kiến “Ngày nông thôn mới” được triển khai qua các công việc chủ yếu do sức dân thực hiện được phát động như “Chỉnh trang đường làng ngõ xóm”, “Đào hố rác, xử lý rác thải bằng chôn lấp ở các hộ gia đình”, “Trồng cây xanh, hàng rào xanh”, “Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, nhà ở”...

Tuy nhiên, tiêu chí môi trường nói chung toàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch. Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường; chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Bề thu rác thuốc BVTV ở huyện Quảng Điền 

Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải nên hậu quả về ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp về BVMT chưa cao, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, BVMT…

Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hóa tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư... Vì vậy, việc xây dựng NTM đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức, vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.

Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh từ các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, làng nghề... cũng ảnh hưởng môi trường nông thôn trong nhiều năm qua. Mặc dù, nhiều địa phương đã có những giải pháp tích cực như ra nghị quyết chuyên đề, giao cho các đoàn thể phụ trách, hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân, xây lò đốt rác thải tại gia đình... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, song dường như mới chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa có tính bền vững lâu dài.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm hơn nữa các vấn đề về môi trường nông thôn trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình dự án khác, trước hết là vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất công nghiệp vùng nông thôn, các làng nghề; cải tạo kênh, mương, cống rãnh, ao hồ; xây dựng cảnh quan, trồng cây xanh, hình thành các tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng...

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí; các bộ, ngành, địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường bằng việc ban hành cơ chế giá dịch vụ bảo vệ môi trường và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải; phát huy hết mức vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường./.

CTV