In trang

Chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh
Cập nhật lúc : 11:25 14/12/2021

Chiều ngày 11/12, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đình Đức đã chủ trì hội thảo về xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới.

Thế giới đã chuyển sang giai đoạn mới, trong sản xuất, thương mại hay dịch vụ, chuyển đổi số là giải pháp sống còn “không thể làm khác” trong bối cảnh dịch bệnh COIVD-19 đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện các chủng mới thách thức tri thức nhân loại và khả năng chống chịu của các nền kinh tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư cho biết chuyển đổi số là điều cần thiết và bắt buộc phải làm trong quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng làng xã thông minh nói riêng.

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng xây dựng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chương trình quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Bao gồm: xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển nền tảng cho chuyển đổi số. Quá trình này chủ yếu là nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số cho cán bộ toàn ngành nông nghiệp, cán bộ chương trình nông thôn mới và cộng đồng dân cư. Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế. Thứ ba, phát triển hạ tầng số và dữ liệu số.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đình Đức Cho biết, thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm có chủ trương thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh", thí điểm tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Hiện mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được một số ưu việt của mô hình như: hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẽ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham gia ý kiến, góp ý thêm cho mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng đây là mô hình điểm ưu việt và hiệu quả, cần sớm nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

 CTV