In trang

Phát triển kinh tế rừng để nâng cao chất lượng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 17:56 02/08/2022

Từ xã miền núi nhiều khó khăn, từng bước chuyển mình trở thành địa phương đầu tiên ở Hương Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Dương Hòa đang tập trung xây dựng NTM nâng cao với việc phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn.

Hiệu quả từ kinh tế rừng

Dù là xã miền núi với xuất phát điểm thấp và điều kiện khó khăn, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; cùng đó là chính sách giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế vùng gò đồi, đời sống của người dân Dương Hòa không những được ổn định mà ngày một nâng cao. Tận dụng lợi thế địa hình đất gò đồi, rừng núi, nhiều nông dân trong xã  mạnh dạn đầu tư trồng rừng, những vùng đất hoang hóa dần được phủ màu xanh

Bà Nguyễn Thị Phượng, trú thôn Hạ, hồ hởi cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ, cấp đất, cấp rừng kịp thời mà nhiều hộ dân ăn nên làm ra, không chỉ có của ăn của để mà còn thuộc diện khá - giàu.

Gia đình bà Phượng hiện có 4ha rừng kinh tế, trồng keo, tràm, mỗi năm cho thu hơn 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, bà còn thực hiện chuyển đổi cây trồng với hơn 80 gốc thanh trà, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhờ vào tán cây rừng, hộ anh Nguyễn Văn Tâm, ở thôn Buồng Tằm, đang nuôi 300 tổ ong lấy mật, thu hàng chục lít mật ong mỗi ngày;  trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Người dân ở xã Dương Hòa cũng dựa vào rừng để phát triển chăn nuôi, nhiều hộ gia đình lập nên những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có 2 gia trại ở thôn Thanh Vân thường xuyên có hơn 1.000 con gia súc, gia cầm. Đàn gia súc địa phương thường xuyên ở mức 800 con và hàng ngàn con gia cầm.

Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, với gần 500ha rừng gỗ lớn ở địa phương được chứng nhận FSC, trong đó có nhiều nhóm hộ thực hiện hiệu quả như: Nhóm Thanh Lương Hộ với 22 hộ tham gia trồng khoảng 257ha và 517ha FSC của nhóm Hạ Buồng Tằm .

Xác định trồng rừng kinh tế là hướng đi trọng tâm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, trên cơ sở sự hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên – Huế, xã Dương Hòa đã quan tâm xây dựng kế hoạch chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đưa keo lai, bạch đàn vào sản xuất. Để có đầu ra thuận lợi, huyện khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến gỗ, thu mua lâm sản. Mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ giới hóa trồng rừng, vận tải khai thác rừng trồng, dịch vụ buôn bán tại chợ và khu vực trung tâm xã... Tạo điều kiện cho nhân dân hình thành các trang trại, gia trại, thu hút đầu tư dịch vụ, du lịch gắn với tham quan du lịch cộng đồng vườn mẫu, vườn đồi.

Theo thống kê, Dương Hòa có hơn 90% dân số phát triển kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm rừng. Năm 2021, sản xuất lâm nghiệp chiếm hơn 50% thu nhập của xã (hơn 90 tỷ đồng); độ che phủ rừng đạt 90%.

Phát triển vườn mẫu

Nhiều chính sách thiết thực, đi vào cuộc sống phải kể đến như chính sách giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế vùng gò đồi do Hội Cựu chiến binh xã Dương Hòa quản lý. Mô hình thâm canh cây thanh trà (một loại bưởi) đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trạm Khuyến nông thị xã Dương Hòa hỗ trợ cho cho hàng chục hộ trồng thanh trà ở thôn Hạ, thôn Buồng Tằm và thôn Hộ. Hay, hỗ trợ trồng cây tràm do Công ty Liên minh Xanh tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ, đã cấp phát 10.000 cây giống. Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tập trung gắn với mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp.

Cùng với đó, Dương Hòa mở rộng được 56 ha thanh trà theo mô hình cánh đồng lớn với 238 hộ tham gia. Đây là cây đặc sản chủ lực của vùng đất thượng nguồn sông Hương này. Bình quân mỗi năm, các hộ dân trồng thanh trà có thể thu khoảng 70 triệu đồng, hộ nhiều nhất lên đến 180-200 triệu đồng/năm.

Diện tích cây thanh trà hiện nay ở xã Dương Hòa duy trì khoảng 70ha, trong đó có 18ha đang cho thu hoạch và 25ha cây nhỏ thuộc Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, Chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi thị xã và nhân dân tự tra dặm vườn nhà và trồng mới tại các cánh đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá bán cao nên thu nhập bình quân từ thanh trà đạt 500 triệu đồng/ha. Xã cũng đã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy rà soát, chọn 25 hộ dân tham gia dự án kinh tế vườn gia đình hiệu quả.

Xã chọn 15 vườn mẫu để hoàn thiện các tiêu chí liên quan nhằm đạt NTM nâng cao; ra mắt Tổ Hợp tác “Thanh trà Dương Hoà” và triển khai cho Tổ hợp tác đăng ký và phát triển sản phẩm OCOP đối với cây thanh trà. Cùng với đó, chọn một số vườn mẫu thanh trà ở thôn Buồng Tằm để đầu tư; lập thủ tục đăng ký “Chỉ dẫn địa lý” đối với trái thanh trà Dương Hòa. Khuyến khích và hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Ông Lê Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, cho hay: Xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát huy tối đa lợi thế từ rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhân rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC; rà soát việc thực hiện các đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi của thị xã tại địa phương; nhân rộng các mô hình có hiệu quả như thanh trà, bưởi da xanh, cam; khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ sạch, liên kết theo chuỗi giá trị, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân. Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu; thực hiện các nhiệm vụ then chốt đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

CTV