In trang

A Lưới: Đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Cập nhật lúc : 09:06 06/12/2016

Đó là thông tin tại buổi làm việc của UBND tỉnh với lãnh đạo huyện A Lưới về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và định hướng nhiệm vụ năm 2017 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì (5/12)

Cùng dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện A Lưới, dự ước năm 2016, có 15/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng giá trị sản xuất ước đạt 14,1%, thu ngân sách đạt 115 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,02%. Sản xuất nông - lâm nghiệp là thế mạnh của huyện với 12 nghìn ha rừng kinh tế và trên 1,6 nghìn ha sắn; chăn nuôi tiếp tục được duy trì tổng đàn, nhất là phát triển đàn bò lai và bò vàng chất lượng. Đề án phát triển đàn bò đến năm 2025 bước đầu thành công và thực sự đi vào đời sống, đến cuối năm 2016, tổng đàn bò toàn huyện đạt 9.502con. Các mô hình trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Công nghiệp, TTCN, xây dựng, giao thông vận tải đang trên đà phát triển Bước đầu hình thành một số điểm và tua du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn với hơn 30 nghìn lượt khách đến A Lưới trong năm 2016. Lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh biên giới được giữ vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, lồng ghép các nguồn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Hương Phong và Sơn Thuỷ.

Cơ sở trường học ở Sơn Thuỷ. xã vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới cuối năm 2016 củ huyện A Lưới 

Tuy nhiên, so với toàn tỉnh, A Lưới vẫn là huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo 31,5% theo chuẩn đa chiều; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một diện tích chưa cao và chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ đào tạo nghề đạt thấp, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn xảy ra.

 Năm 2017, huyện A Lưới đặt chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất 15%; thu ngân sách 120 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%; thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện 2 chương trình trọng điểm gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển văn hóa, du lịch. Về dự án trọng điểm, xúc tiến các thủ tục để khởi công nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Hồng Trung và nhà máy chế biến mộc dân dụng ACo (Hồng Thượng)

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã trao đổi về một số kiến nghị của huyện, đồng thời gợi mở cho huyện hướng đi và giải pháp để giảm nghèo bền vững cũng như phát huy tiềm năng của địa bàn nhằm tạo ra giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp cao hơn. Các ý kiến đều cho rằng, với lợi thế về rừng và đất đai vùng gò đồi, ngoài duy trì diện tích rừng kinh tế, A Lưới cần phát triển mạnh đàn bò vàng và lúa truyền thống của địa phương để tạo thương hiệu và phục vụ cho du lịch; cần mở rộng quy mô nghề dệt zèng truyền thống sau khi được công nhận là di sản vật thể Quốc gia, phát huy các điểm du lịch sinh thái bên các thác và dòng suối. Năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với ngành Văn hóa và Du lịch quan tâm, thực hiện lồng ghép quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư của A Lưới với các hoạt động văn hóa, du lịch và thu hút đầu tư của tỉnh
Về giảm nghèo, huyện A Lưới đã xây dựng Đề án giảm nghèo, tuy nhiên do tỷ lệ hộ nghèo cao nên trong quá trình thực hiện, huyện cần lưu ý đối với các tiêu chí chuẩn đa chiều cao và có thể huy động sức dân để tập trung chỉ đạo và lồng ghép các nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, huyện cần lưu tâm vấn đề "khởi nghiệp" và tinh thần vươn lên thoát nghèo trong lực lượng lao động trẻ; nhất là quan tâm chỉ đạo để phát huy hiệu quả của Làng Thanh niên lập nghiệp, làm động lực giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá sự nỗ lực của huyện A Lưới trong phát triển KT-XH năm 2016, mặc dù còn khó khăn trong phát triển kinh tế và tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để giảm nghèo bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị A Lưới cần rà soát các tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí nào cao, huy động được sức dân phải tập trung chỉ đạo thực hiện trước; lập đề án giúp đồng bào tìm hướng thoát nghèo bền vững và biết tích lũy để vươn lên. Phải chú trọng xây dựng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái thực hiện các giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên hàng đầu là chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng nếp sống văn minh. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, ngoài duy trì các diện tích sản xuất, huyện cần lưu ý đến chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đầu tư công, huyện cần tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, giảm nghèo; đầu tư nhà máy chế biến sắn cần lưu ý vấn đề môi trường. Các Sở, ngành, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giúp và hướng dẫn huyện xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Từ nhiều năm nay, A Lưới có nhiều chính sách và dự án quốc gia, các dự án này là mở hướng đi và tạo động lực cho phát triển nên huyện cần phải rà soát lại việc sử dụng các nguồn đầu tư xem thực hiện đến đâu, hiệu quả như thế nào, qua đó tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, hiệu quả và bền vững hơn.

A Lưới cần nâng cao giá trị cho các loại sản phẩm của địa phương. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để xây dựng được các chương trình, kế hoạch, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2017, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc đang đặt ra. Đi đôi với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phải hết sức chăm lo công tác quốc phòng – an ninh, qua đó góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2017. Chủ tịc UBND tỉnh nhấn mạnh

Văn phòng Điều phối huyện A Lưới