In trang

Đề tài khoa học và công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phục vụ xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 10:59 05/10/2022

Chiều ngày 3/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021-2025. Dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, cùng đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương tham dự hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, triển khai Chương trình KHCN phục vụ XDNTM, 5 năm qua (2016-2021), trên phạm vi cả nước đã có trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn, 152 bài báo khoa học. 100% nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, áp dụng vào thực tế XDNTM. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Nhờ đó, các mô hình sản xuất đều tăng từ 25% hiệu quả trở lên, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Thông qua các đề tài, dự án, 11.000 lượt người đã được đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, vượt chỉ tiêu đề ra (10.000 lượt người)…

Ngoài ra, chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Chương trình KHCN phục vụ XDNTM tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vào hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn phát triển nông nghiệp, XDNTM được Đảng, Nhà nước tham khảo, sử dụng để ban hành các chủ trương, Nghị quyết quan trọng trong phát triển “tam nông”. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp XDNTM, thúc đẩy tái cơ cấu và tăng trưởng ngành nông nghiệp, thực hiện các tiêu chí NTM; đóng góp vào đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia XDNTM…

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Chương trình chưa đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu của thực tế XDNTM vốn rất rộng và toàn diện; còn ít đề tài nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội như ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, làng thông minh; chất lượng một số đề tài chưa cao, đề xuất giải pháp còn chung chung, tác động còn hạn chế;…

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG XDNTM; đề xuất được các giải pháp KHCN nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong XDNTM…

Điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế 

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới phải song hành để chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng nông thôn mới phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp; không chỉ chuyển giao công nghệ mà cần chuyển giao tri thức cho người dân nông thôn.

Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Điều phối NTM nhanh chóng xây dựng đề tài, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá. Các đề tài không chỉ chuyển giao KHCN mà phải chuyển giao tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa cho người nông dân để tăng hiệu quả, chất lượng đề tài. Mỗi nhà khoa học đến với người nông dân là góp phần tri thức hóa cho người nông dân.

Các đề tài triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, huy động sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia hưởng ứng. Trong đó, ưu tiên các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng./.

Văn phòng Điều phối NTM