In trang

Hà Tĩnh tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 16:03 02/06/2017

Ngày 01-6, Đoàn Công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh do ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế trong lịch trình tham quan, học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM, về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển làng nghề truyền thống tại Thừa Thiên Huế .

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay, địa phương có 23/104 xã đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý, Thừa Thiên  Huế không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM. Hiện một số tiêu chí có bước tiến bộ lớn như: An ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị, y tế, giao thông, bưu điện... Cách làm ở Thừa Thiên Huế là đã huy động được đa dạng nguồn lực, vận động nhân dân chủ động tham gia xây dựng NTM. Để làm được điều này, Thừa Thiên- Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều gia đình đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng NTM.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế phấn đấu có 59% xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, ngoài các xã cơ bản đã hoàn thành NTM, nhóm về sau đều là xã khó khăn, nhiều tiêu chí cần nguồn lực lớn để hoàn thành, các tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, môi trường cũng là những thách thức lớn ở nhiều địa phương. Tháo gỡ khó khăn này, Thừa Thiên - Huế tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập cho nông dân; làm tốt công tác tuyên truyền; lồng ghép các nguồn lực; đặc biệt sử dụng các nguồn lực hợp lý...

Về xây dựng  các mô hình nông nghiệp hữu cơ, Thừa Thiên Huế đã có một số doanh nghiệp đầu tư như: Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình hữu cơ (organic) và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cách liên kết là: Chính quyền đứng ra làm trung gian, nông dân ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất hoặc có nông dân tự làm trên đất của mình nhưng theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và được doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Sản xuất NNHC mang lại giá trị cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Hay như một số mô hình HTX đứng ra xây dựng nhà lưới, làm rau sạch (dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sở NN&PTNT). 

Về phát triển làng nghề, Thừa Thiên Huế là địa phương hiện còn lưu giữ khá nhiều làng nghề truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 92 làng nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, trong đó Tỉnh đã quy hoạch giai đoạn 2016-2020 8 nghề và làng nghề gắn với du lịch tại các làng nghề ưu tiên đầu tư khôi phục. 

Một số nghề và làng nghề truyền thống được khôi phục phát triển mạnh vừa cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội, vừa thu hút các tour du lịch như: đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phủ Cam, mây tre đan Bao La, cẩn khảm xà cừ Địa Linh, điêu khắc Mỹ Xuyên, kim hoàn Kế Môn, gốm Phước Tích, tranh giấy Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng (thổ cẩm) A Lưới... tạo nên những sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất cố đô Huế. Nhiều làng nghề đã được khôi phục và phát triển tôt như: Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân; mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, mộc Ân Bình; nón lá Đốc Sơ, Mỹ Làm, Truyền Nam, Thanh Tân; mây tre đan Bao la, Thủy Lập (Quảng Điền)... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững.

Trong thời gian tại Huế, Đoàn công tác đã đến tham quan học tập tại làng nghề Đúc đồng tại Phường Đúc, thành phố Huế, HTX đan lát Bao La trên địa bàn xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, HTX trà rau má xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền. Nhân dịp này, Đoàn đã được Văn phòng Điều phối huyện hướng dẫn thăm khu di tích tưởng niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại làng Niêm Phò, xã Quảng thọ, huyện Quảng Điền./.

Một số hình ảnh của đoàn công tác

Làm việc với VPĐP NTM tỉnh Thừa Thiên Huế

Khảo sát vùng trồng rau má chuyên canh tại xã Quảng Thọ

Làm việc tại HTX trà rau má Quảng Thọ

Điền dã tại huyện Quảng Điền

Tại HTX đan lát Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền

Phạm Quyền
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TTH