In trang

Bài học của Hàn Quôc về xây dựng Nông thôn mới
Cập nhật lúc : 10:30 16/10/2018

Sau 8 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số bất cập, đặc biệt là tại các xã, thôn bản khó khăn. Văn phòng Điều phối tỉnh trân trọng chia sẻ một số bài học từ phong trào Làng mới của Hàn Quốc

Từ phong trào làng mới của Hàn Quóc

“Saemaul Undong” có nghĩa là phong trào đổi mới cộng đồng, từ một phong trào ở nông thôn đã lan ra thành một phong trào đổi mới toàn xã hội Hàn Quốc. “Saemaul Undong”được đích thân Tổng thống Hàn Quốc phát động vào ngày 22.4.1970. Được phát động cách đây hơn 40 năm nhưng dư âm của “Tinh thần Saemaul” vẫn thôi thúc người dân Hàn Quốc đến tận hôm nay. Từ một trong những quốc gia nghèo đói nhất, Hàn Quốc đã cất cánh, trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới, với thu nhập bình quân đầu người một năm vượt trên 20.000 USD.

Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ có 85 USD; phần lớn người dân không đủ ăn; 80% dân nông thôn không có điện thắp sáng và phải dùng đèn dầu, sống trong những căn nhà lợp bằng lá. Là nước nông nghiệp, lũ lụt và hạn hán lại xảy ra thường xuyên, mối lo lớn nhất của Chính phủ khi đó là làm sao đưa đất nước thoát khỏi đói, nghèo. Phong trào Làng mới (SU) ra đời với 3 tiêu chí: Cần cù (chăm chỉ), tự lực vượt khó và hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Năm 1970, sau những dự án thí điểm đầu tư cho nông thôn có hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Họ thi đua cải tạo nhà mái lá bằng mái ngói, đường giao thông trong làng, xã được mở rộng, nâng cấp; các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Phương thức canh tác được đổi mới, chẳng hạn, áp dụng canh tác tổng hợp với nhiều mặt hàng mũi nhọn như nấm và cây thuốc lá để tăng giá trị xuất khẩu. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (ngoài cùng bên trái) với phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc – Saemaul Undong

Bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi hết sức kỳ diệu. Theo báo cáo của một chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, trong vòng 10 năm triển khai “Saemaul Undong” từ 1971 - 1980, tổng kinh phí đầu tư cho các dự án là 3.425 tỷ won (tương đương khoảng 3 tỷ USD). Trong số đó đóng góp của người dân chiếm phần lớn 49,4%; hỗ trợ của Chính phủ chỉ 27,8%; phần còn lại là các khoản nông dân vay của các tổ chức tín dụng. Nếu tính cả phần vốn vay, sự đóng góp của người dân là 72,2%. Thực tế cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn đầu là rất quan trọng, nhưng rõ ràng sự đóng góp của người dân mới quyết định thành công của các dự án. Trong 10 năm, các dự án đã làm được 61.797km đường vào thôn (đạt 126% kế hoạch); 43.558km đường trong thôn (166%); 79.516 cầu cống nhỏ (104%); 37.012 nhà văn hóa (104%); 15.559km đường cống nước thải (179%); 2.777.500 hộ nông thôn được cấp điện (98%); 717 xí nghiệp nông nghiệp (75%); 22.143 nhà kho (64%); 225.000 ngôi nhà được cải tạo (42%) và quy hoạch mới cho 2.747 ngôi làng… Thành tích này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn Hàn Quốc.

Kết quả là có hơn 16.000 làng đã thay đổi được phần nào bộ mặt nông thôn. Sang năm 1972, ở những làng có kết quả tốt hơn, mức đầu tư của Chính phủ tăng lên 500 bao xi măng và 1 tấn sắt, thép. Những làng làm tốt cảm thấy họ được Chính phủ đền ơn. Nhờ đó mà nông thôn nước Hàn đã thay đổi mạnh mẽ. 33.267 làng bắt đầu được chia làm 3 thứ hạng, mỗi bậc nhận được mức hỗ trợ khác nhau từ nhà nước. Phong trào SU của Hàn Quốc đã biến đổi cộng đồng vùng nông thôn cũ thành cộng đồng nông thôn mới ngày một đẹp hơn và giàu hơn. Khu vực nông thôn trở thành xã hội năng động có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư và tự phát triển. Phong trào SU, với mức đầu tư không lớn, đã góp phần đưa Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở nên giàu có.

Hình ảnh của phong trào Saemaul Undong năm 1970

Nguyên mẫu Saemaul Undong bắt đầu bằng việc Chính phủ giao quyền tự quản rộng rãi cho chính quyền xã. Các dự án Saemaul Undong do hội đồng cấp huyện quyết định và phải có sự chấp thuận của Thị trưởng hoặc Quận trưởng. Tiêu chí chọn dự án mới là luôn phải xem xét, tính toán sự cần thiết của dự án đó đối với người dân. Những dự án được chọn lựa phải là những dự án cải thiện điều kiện sống của tất cả nhân dân trong vùng và có tiềm năng phát triển lâu dài.

Sau một năm thực hiện kế hoạch, Chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của người lãnh đạo. Những nơi có người lãnh đạo có năng lực đã triển khai dự án rất tốt, theo đúng đường lối của nhà nước còn những nơi không có người lãnh đạo yếu kém về chuyên môn và đạo đức thì thường tiêu phí tài nguyên vô ích. Chính vì vậy, phải có người lãnh đạo tài năng và tận tâm.

Vận dụng trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Trong bối cảnh có những nét tương đồng về văn hóa, hệ giá trị, lối sống và cách suy nghĩ giữa Việt Nam và Hàn Quốc và có những điểm tương đồng trong chương trình phát triển nông thôn giữa hai nước, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thành công của phong trào Saemaul Undong cũng như những chương trình phát triển nông thôn thành công khác trên thế giới như Mỹ với chương trình phát triển “ngành kinh doanh nông nghiệp” với sự hiện diện của những tập đoàn lớn của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp; Nhật Bản với chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” có sự ảnh hưởng sâu rộng với các nước Đông Nam Á; và Thái Lan với chương trình “trợ giúp mạnh mẽ của nhà nước” sẽ góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu Chương trình Nông thôn mới Việt nam đặt ra; trước mắt là mục tiêu đến năm 2020, 50% các xã của Việt Nam đạt tiêu chí NTM.

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn Việt Nam Đặng Kim Sơn cho rằng: “Đưa Phong trào Làng mới vào để giải quyết mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn” và kết quả triển khai phong trào phù hợp với thực tiễn Việt Nam cho thấy hiện tại, cơ sở hạ tầng nông thôn đang dần được hoàn thiện một cách đáng kể và đây là điểm đáng được khen ngợi.

Phong trào xây dựng NTM đã góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững và tiến tới khu vực nông thôn có một hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, ổn định để phát triển. Hiện Việt Nam là đối tác trọng tâm và quan trọng của dự án toàn cầu hóa NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ hợp tác và hỗ trợ cho dự án hình thành làng thí điểm NTM tại các tỉnh đang thực hiện, còn quỹ toàn cầu hóa NTM sẽ hợp tác phát triển nông thôn Việt Nam thông qua vận hành việc quản lý, tập huấn và đào tạo, phát triển thương mại hóa theo từng làng… nhằm phát triển bền vững nông thôn Việt Nam.

Tại Việt Nam, trong 7 năm (2014 - 2021), Saemaul tiến hành 8 làng dự án, chia làm 2 giai đoạn: 2014 – 2019 (đối với 3 làng đang triển khai) và 2017 – 2021 đối với 5 làng mới. 8 làng thí điểm tập trung ở 5 tỉnh gồm: 2 ở Ninh Thuận; 2 ở Thái Nguyên; 1 ở Bắc Ninh; 1 ở Thừa Thiên - Huế và 2 ở Hậu Giang. Phong trào xây dựng NTM ở Việt Nam được triển khai toàn diện với 19 tiêu chí, đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn. Nhưng thực tế, việc triển khai NTM vẫn còn một số khuyết điểm cần khắc phục, khi nhiều nơi còn chạy đua thành tích, hiệu quả đồng vốn từ nông dân chưa cao… Theo PGS. TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, mục tiêu chính là phải nâng cao thu nhập cho nông dân, từ đó đặt ra nhu cầu xây dựng, phát triển nông thôn tương xứng, chứ không phải chạy theo tiêu chí. Nông dân phải hợp tác như thế nào, phát huy tính tự lực và sức mạnh tập thể ra sao… là điều có thể học được tinh thần Saemaul.

Tính đến nay, quỹ Saemaul đã tài trợ 2 triệu USD cho chương trình. Dự kiến 5 năm tới, nguồn vốn sẽ lên 6,5 triệu USD. Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, Saemaul sẽ khảo sát lại, trong đó chú trọng tiêu chí vai trò của người lãnh đạo trong nỗ lực xây dựng nông thôn. Dự án làng thí điểm được thực hiện trải dài 3 miền. Theo kế hoạch của Quỹ toàn cầu, mỗi nước chỉ được chọn 8 làng. Sau khi thành công, mô hình sẽ tự lan tỏa ra các địa phương khác. Chương trình Saemaul Undong là sự bổ sung cho chương trình xây dựng NTM của Chính phủ Việt Nam. Tại mỗi làng đều có văn phong đại diện của Saemaul và tình nguyện viên để tổ chức kết nối hoặc sinh hoạt cộng đồng. Vì là chương trình hỗ trợ NTM, nên các hoạt động đều được bàn bạc từ Văn phòng điều phối NTM Trung ương và trực tiếp nhất chính là các Sở NNPTNT, Phòng NNPTNT của địa phương.

Điểm nhấn trong phong trào Làng mới tại Hàn Quốc là chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền để người dân tham gia một cách tự nguyện, thúc đẩy tinh thần cộng đồng, chủ động của người dân; nâng cao vai trò và hoạt động của các cấp lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương; xây dựng hệ thống hợp tác công tư chặt chẽ. Cùng với đó, cụ thể hoá tiêu chuẩn đánh giá bằng cách phân chia cấp độ làng xã, đồng thời nâng cấp thông qua việc đánh giá minh bạch. Tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo lực lượng lãnh đạo ở cấp xã, thôn bản về phong trào Seamaul Undong; tiếp tục nhân rộng mô hình này tại thôn bản ở các vùng khó khăn;…

Trong 8 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chương trình, một số tỉnh đã chủ động ban hành tiêu chí xây dựng NTM các cấp thôn bản, trực tiếp nâng cao ý thức và vai trò người dân, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền

Cụ thể, Thanh Hóa và Nghệ An đã thành công trong xây dựng đề án theo hướng tập trung 3 nội dung: Phát huy tiêu chí cộng đồng gắn kết người dân và xây dựng NTM; hoàn thiện tiêu chí cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho người dân; tạo lập nhiều mô hình sản xuất liên kết với 3 nội dung trọng tâm nâng cao năng lực người dân và cộng đồng. Trong thời gian tới, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Phương hướng của xây dựng nông thôn mới thời gian tới là các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM và đô thị văn minh”. 

Trước mắt cần, rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nhất là đối với các vùng đặc thù, xã khó khăn. Sửa đổi, bổ sung tiêu chí cho phù hợp với các xã khó khăn (áp dụng tiêu chí linh hoạt), và có Chương trình riêng cho các địa phương khó khăn xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản./ Bên cạnh đó, cần phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp (NTM cấp huyện, cấp xã và cấp thôn, người dân/cộng đồng), ưu tiên nâng, ưu tiên nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ T.Ư đến địa phương, nhất là cán bộ cơ sở./.

Văn phòng Điều phối  tỉnh (tổng hợp)