In trang

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc
Cập nhật lúc : 11:36 16/10/2016

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 322/TB-VPCP ngày 12/10/2016 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức ngày 30/9/2016 nhằm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020​

Sau phần đánh giá cao kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 như sau:

1. Nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, phải xác định nông thôn mới là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân tri thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo; nông thôn mới cũng đồng nghĩa cuộc sống mới trêm cơ sở cập nhật thông tin, tiếp cận và nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đem lại (tỷ lệ sử dụng internet, mật độ doanh nghiệp, các tiêu chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp tiên tiến, chỉ số thương mại và thị trường nhất là thương mại điện tử để sản xuất gắn với tiêu dùng).

2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực sự hành động vì dân với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch với lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nội dung của Chương trình theo Quyết định 1600/QĐ-TTg; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý xây dựng nông thôn mới theo quyết định 398/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khẩn trương ban hàng ngay trong tháng 10/2016: Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Nghị định về cơ chế đặc thù nhóm C quy mô nhỏ của Chương trình; Quyết định về quy chế quản lý điều hành các Chương trình MTQG; quyết định về nguyên tắc, nội dung, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình; quyết định kinh phí khen thưởng cho các xã, huyện tiêu biểu giai đoạn 2010-2015; kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các địa phương và VPĐP nông thôn mới các cấp.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương cần rà soát tất cả các cơ chế và chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở mức cao hơn cho các xã, huyện ở các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015; có cơ chế chính sách thích hợp và đủ mạnh để thực hiện sự khuyến khíchviệc ứng dụng khoa học công nghệ, huy động nguồn lực thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn khu vực nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; tăng cườngcác giải pháp để đảm bảo hỗ trợ các huyện, xã khó khăn có số tiêu chí đạt còn thấp; quan tâm các tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; việc công nhận, khen thưởng các xã, huyện đạt chuẩn NTM phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, tránh chạy theo thành tích.

4. Xây dựng nông thôn mới với mục đích cuối cùng là nâng cao cuộc sống, thu nhập của người dân nông thôn, vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giải pháp hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật HTX năm 2012.

5. Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng, miền; chú trọng nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn NTM, xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với đô thị văn minh; cần tập trung vào các tiêu chí môi trường nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nguy hại đến đời sống của người dân nông thôn, nhất là ở các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

6. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình thông qua các hình thức lồng ghép các chương trình, dự án có mục tiêu trên địa bàn; về nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngoài nguồn vốn đã được Quốc hội bố trí, trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ tìm nguồn lực khác, kể cả vốn vay quốc tế để tăng thêm cho Chương trình; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa-thể thao; giải pháp khắc phục, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trên địa bàn khu vực nông thôn, công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.

7. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, kiện toàn năng lực bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp về Chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, tâm huyết để đáp ứng yêu cầu công việc nhưng đảm bảo nguyên tắc không phát sinh biên chế của từng cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM; tiếp tục phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM. Định kỳ, tổ chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn.

8. Các Bộ, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt tới các cấp, các ngành và nhân dân cùng tham gia, hưởng ứng tích cực, triển khai có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020; cần phải được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến cấp cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với thực tiễn ở địa phương; phát huy được sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; gắn phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác trên địa bàn cả nước.

9. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức đồng lòng, quyết tâm thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Văn phòng điều phối tỉnh (tổng hợp)