In trang

Nam Đông - Đích đến nông thôn mới đang rất gần
Cập nhật lúc : 10:23 30/12/2013

(TTH) - Huyện Nam Đông có hai xã Hương Giang và Hương Hòa hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Diện mạo NTM

 Lên Nam Đông những ngày cuối năm, chúng tôi không chỉ cảm nhận được không khí vui tươi trước sự đổi thay của vùng cao này, mà còn cả sự phấn khởi của người dân đang chung sức xây dựng NTM. Rong ruổi khắp các thôn bản của xã Hương Giang mới thấy những đổi thay của địa phương sau ba năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đường vào các thôn, làng đều đổ bê tông, tráng nhựa... Phó Chủ tịch UBND xã Hương Giang - Nguyễn Minh Luận chia sẻ, địa phương được đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông và xây dựng các công trình. Đến nay, phần lớn các tuyến đường trên địa bàn đều được bê tông, thảm nhựa. Hệ thống trường học, trạm y tế, các công trình nước sạch, công trình cộng đồng cũng được xây dựng, nâng cấp hoàn thiện. Đến cuối năm 2013, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn khoảng 2%. Hương Giang hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Cùng với xã Hương Giang, Nam Đông đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi ở các xã, thị trấn đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất; phấn đấu đến cuối năm 2015, đưa Nam Đông trở thành huyện NTM của tỉnh. Từ hệ thống đường nội thị đến nông thôn được huyện tập trung chỉnh trang, sửa chữa sạch đẹp. Hàng loạt cây cầu bê tông vắt qua sông, qua suối phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo diện mạo NTM khang trang hơn. Các khu tái định cư như Tà Rinh, Tà Rị được số trí, sắp xếp dân cư phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con, đời sống từng bước đi vào ổn định. Các chương trình hỗ trợ sản xuất, lương thực, tặng quà đảm bảo ổn định đời sống nhân dân được huyện thực hiện có hiệu quả. Toàn huyện tặng 2.843 suất quà với 463,1 triệu đồng; nâng cấp, sửa chữa 135 nhà, kinh phí 2,160 tỷ đồng; xây dựng 6 nhà tình nghĩa với 235 triệu đồng. Các ban ngành tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 Một tuyến đường ở xã Hương Giang được sửa chữa tươm tất, sạch đẹp
Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Đông bày tỏ, chương trình xây dựng NTM là đột phá mới của huyện. Cách nay hơn ba năm, huyện chủ động triển khai thực hiện chủ trương xây dựng NTM trên địa bàn. Sau khi khảo sát Bộ 19 tiêu chí Quốc gia về Chương trình xây dựng NTM, tỉnh, huyện chọn xã Thượng Nhật, Hương Hòa, Hương Giang để xây dựng thí điểm mô hình NTM. Huyện chỉ đạo các ban ngành kiểm tra, rà soát kết cấu hạ tầng, đời sống nhân dân và tập trung nỗ lực đầu tư cho các địa phương. Đến nay, phần lớn các chỉ tiêu trên địa bàn các xã cơ bản đáp ứng các tiêu chí NTM của Quốc gia. Riêng hai xã Hương Hòa, Hương Giang hoàn thành các tiêu chí NTM, đang tiến hành thủ tục đề nghị cấp trên công nhận đạt chuẩn NTM.
Chuyển dịch đúng hướng
 
Các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2013 đều chuyển dịch đúng hướng; phấn đấu từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ theo hướng công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ sau năm 2015. Năm 2013, huyện tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị kinh tế mỗi ha lên 26 triệu đồng. Riêng giá trị cây cao su đưa vào khai thác 2.100 ha, sản lượng đạt 7.000 tấn, doanh thu 77 tỷ đồng. Kinh tế rừng từng bước phát triển, đến nay 4.300 ha, thu nhập từ 40 triệu đến 45 triệu đồng/ha. Các lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, đá gananit, sa khoáng, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp phát triển tích cực, sản phẩm bước đầu vươn ra thị trường các tỉnh. May công nghiệp ổn định và từng bước mở rộng quy mô... Giá trị công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 84,5 tỷ đồng, tăng 20% và dịch vụ đạt 146,8 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm trước.
 
Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện cho biết, các dự án đường La Sơn – Nam Đông, đường 74, đường Cam Lộ - Tuý Loan... đang triển khai xây dựng. Huyện đang phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình hoàn thành đảm bảo kế hoạch đề ra. Sau khi các công trình hoàn thành, huyện có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tổ chức các dịch vụ sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập.
Quy hoạch và phát triển nhanh các dịch vụ sản xuất kinh doanh ở những trục đường chính và khu vực trung tâm huyện, trung tâm cụm xã được các ban ngành quan tâm. Chợ Khe Tre được nâng cấp đạt chuẩn loại 2, đưa vào sử dụng trong năm 2013, trở thành trung tâm thương mại của huyện. Chợ Nam Đông nâng cấp đạt chuẩn loại 3, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và mua sắm của người dân. Chất lượng các loại hình dịch vụ, tạo ra sản phẩm ngày càng nâng cao. Các dịch vụ nông nghiệp, viễn thông, tin học, điện tử, sửa chữa cơ khí, vận tải, du lịch... phát triển ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn. Một số điểm du lịch sinh thái mới gắn với du lịch lễ hội văn hoá của đồng bào Cơ Tu, như thác KaZan, thác Mơ... có dấu hiệu phát triển theo hướng tích cực, thu hút nhiều đoàn khu khách đến tham quan, lưu trú.
 
Công tác tuyên truyền nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực được huyện chú trọng. Chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng nâng cao, đến cuối năm 2013 có 19 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đào tạo nghề theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực gắn với giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng cao, từng bước đẩy lùi một số loại bệnh nguy hiểm. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc được gìn giữ và phát huy, ngăn chặn và đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 95% số hộ, 98,5% số thôn và 100% cơ quan được công nhận đạt chuẩn văn hóa... Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 8,6%.
Bài, ảnh: Hoàng Triều (Báo THỪA THIÊN HUẾ)